Khoảng tháng 7/2009, anh Lê Đình H. (P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) đã tìm đến nhiều văn phòng luật sư nhờ cứu vãn tình trạng hôn nhân của mình sau vụ ly hôn giả. Giữa năm 2008, vợ anh là chị Nguyễn Hồng Y. có ý muốn kết hôn giả với một Việt kiều Mỹ. Chị vẽ vời kế hoạch sang Mỹ lập quán ẩm thực Việt Nam, rồi bảo lãnh chồng con qua hưởng cuộc sống giàu sang. Vốn là chỗ quen biết với chị Y., sinh hoạt cùng câu lạc bộ khiêu vũ nên ông T. – một Việt kiều chỉ bảo lãnh giúp chứ không đòi hỏi tiền bạc gì. Nhưng chị Y. muốn kết hôn thì phải ly hôn với anh H..
|
Thời gian đầu sau ly hôn, cuộc sống vợ chồng không có gì xáo trộn, thậm chí chị còn vui vẻ, ngọt ngào, chăm sóc chồng con chu đáo hơn. Việc ly hôn chỉ vợ chồng biết với nhau, bên ngoài không biết vì hai người vẫn ở chung, ăn chung, ngủ chung. Đùng một cái, anh H. phát hiện ông Việt kiều T. không chỉ là chồng trên giấy tờ mà còn là chồng trên… khách sạn với vợ mình. Lợi dụng việc đi lại làm thủ tục xuất cảnh, chị Y. hẹn hò với “vị ân nhân” (bị người quen của anh H. bắt tận mặt). Anh H. vì quá ghen tức, đã đánh dằn mặt vợ. Thế là chị giở quẻ: “Tôi quan hệ với chồng tôi, anh lấy quyền gì đánh tôi? Tôi với anh ly hôn rồi, không còn gì với nhau hết. Anh mà còn đòi hỏi chuyện đó với tôi, tôi kiện anh về tội hiếp dâm”.
Hậu quả pháp lý của việc ly hôn là việc chấm dứt quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng. Điều 4, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có quy định cấm kết hôn giả, ly hôn giả tạo. Pháp luật không thể bảo vệ quyền “làm chồng” khi anh H. đã ly hôn, bất kể nội tình sự việc ra sao. Vì thế, “binh” đường nào anh H. cũng… chết!
Ngày vợ xuất cảnh đã cận kề, sắp mất vợ con và tài sản, anh H. không biết làm cách nào để chứng minh việc ly hôn với vợ chỉ là ly hôn giả. Lại càng không thể tái hôn vì chị đã “có chủ”. Anh chỉ còn cách nhất quyết không ký tên vào hồ sơ xin xuất cảnh, định cư của con (quy định bắt buộc đối với trẻ dưới 14 tuổi là phải có cả chữ ký của bố mẹ) để mong vợ nghĩ lại.