ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Chồng – “điệp viên kép”
Friday, November 27, 2009 10:42
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Một ngày đẹp trời nào đó, bỗng nhiên người con trai mà bà mẹ rất đỗi yêu thương dẫn về nhà một cô gái lạ hoắc và giới thiệu: “Đây là người yêu của con”.

Từ đó, hai người phụ nữ hoàn toàn xa lạ bắt đầu một mối quan hệ gắn bó, có khi suốt cả cuộc đời vì một bên là mẹ, một bên là vợ của chàng trai mà họ cùng thương yêu.

Chàng trai không thể không có trách nhiệm về mối quan hệ này, vì chính anh ta tạo dựng. Anh ta phải điều hòa mối quan hệ đó, không để cho hai người phụ nữ mà anh yêu thương đau khổ. Nếu họ rơi vào tình trạng đó, chính anh sẽ đau khổ gấp hai lần.

Thân này ví xẻ làm đôi

Ngồi viết những dòng này, trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh ông hiệu trưởng một trường trung học nọ ở ngoại thành. Gần 60 tuổi, mà ngày nào cũng phải phóng xe đi về giữa hai nơi ở của mẹ và của vợ con, cách nhau hơn 20 cây số.
Nỗi bất hạnh của đời ông bắt đầu từ khi người em ruột ông qua đời, ông đón mẹ ở quê ra thành phố sống với mình để tiện chăm sóc. Khổ nỗi mẹ chồng – nàng dâu cứ như mặt trăng với mặt trời. Bất cứ việc gì trong nhà từ lớn đến nhỏ cả hai đều nói ngược nhau. Nhiều hôm tan trường, ông không muốn về nhà vì biết ở đó lúc nào cũng như một bãi chiến trường đang chờ ông về phân xử.

Cuối cùng, ông đành chọn giải pháp tách mẹ và vợ ra, mượn một gian tập thể đưa mẹ vào ở trong trường, rồi đi về như con thoi, ngày ở với mẹ, tối về với vợ. Rồi chưa kịp nghỉ hưu, ông đã qua đời vì một cơn đột quỵ do đứt mạch máu não, ngã gục trên con đường đi đi – về về đó.

Không ít người đàn ông có thể đủ tài lãnh đạo cả một cơ quan hàng trăm người nhưng có khi lại bất lực giữa hai người phụ nữ thân yêu của mình, chỉ vì không thể biểu lộ được một thái độ rõ ràng, trở thành kẻ “ba phải”, không có chính kiến. Trong khi, cả hai bên đều chờ đợi anh ta đứng về “phe” mình.

Trong thời đại chúng ta, buổi giao thời giữa cái cũ và cái mới, bà mẹ chồng nào cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của những thế hệ mẹ chồng cách đây chưa lâu. Khi đó, bà cưới nàng dâu về chỉ có hai bàn tay trắng. Từ cái nồi niêu bát đĩa, đến cái chổi quét sân cũng của bà. Bà cho nàng dâu mượn gian buồng để ở, mượn cái nồi để nấu cơm và cho “mượn” luôn cả con trai bà để làm chồng. Vì thế, con dâu không có quyền gì cả, bà tha hồ bắt ne bắt nẹt. Bà nói có nên có, nói không nên không, như tục ngữ từng tổng kết: “Muốn nói không, làm mẹ chồng mà nói”.

Nhưng ngày nay, người phụ nữ khi về nhà chồng trong tư thế đã khác. Các cô đi làm việc bên ngoài, có lương, có sổ tiết kiệm, tậu được xe riêng, tự sắm vàng đeo, nên họ không cam chịu như những nàng dâu trong quá khứ mà chính mẹ chồng của cô có thể đã từng trải qua. Thậm chí, nhiều khi họ quên mất mẹ chồng là ai? Nếu không có bà, làm sao có người chồng đem lại hạnh phúc cho mình? Và, thái độ cư xử lạnh nhạt với mẹ chồng thực ra là một thái độ vô ơn. Họ không thể là người phụ nữ biết yêu chồng nếu như không chấp nhận được người đã sinh ra chồng mình.

Ngược với vai trò làm dâu, vai trò làm rể xưa nay được mọi người đặt khá trọng vọng: “Dâu là con, rể là khách”, nhiều chàng rể về nhà vợ vênh váo không xem ai ra gì. Nhà vợ không ưa rể, con gái chịu đựng hết những lời trách móc.

Hân, nhân viên công ty máy tính ở Q.Hoàng Mai (Hà Nội) đã nộp đơn ly hôn sau ba nămchung sống với chồng là Thái, cán bộ hành chính của Q.Hoàn Kiếm. Trong đơn, cô chỉ ghi vắn tắt nguyên nhân là không hợp tính tình. Nguyên nhân thật sự là do nhà bên chồng quá chậthẹp, Hân và chồng về nhà bố mẹ Hân ở, vừa rộng rãi, lại vừa gần nơi Hân làm việc.

Thế nhưng, chỉ sau vài tháng chung sống với nhà vợ, Thái đã hục hặc với mẹ vợ, em vợ không biết bao nhiều lần, chung quy cũng vì Hân không khéo nói. Nghe mẹ mình than phiền chồng mở tivi to quá, Hân quát chồng: “Có nghe mẹ nói không. Điếc hả?”. Trước cách ứng xử như thế của Hân, dần dần Thái đâm ghét cả gia đình nhà vợ… Anh đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà vợ, anh không hề biết đến. Nhà vợ cũng cạch cái mặt anh.
chong40

“Điệp viên” kép

Kinh nghiệm cho thấy, khi đứng ở “đường biên” giữa mẹ và vợ, người chồng phải đóng vai trò “tình báo” cho cả hai bên, chẳng khác gì làm “điệp viên kép”. Anh ta phải bí mật thông tin cho vợ biết mẹ thích cái gì, lúc khác lại tỉ tê với mẹ về những mong muốn của nàng dâu. Nhiều khi hai bên mâu thuẫn chỉ do không hiểu nhau chứ chẳng có gì cao xa đến nỗi không thể đáp ứng được.

Có bà mẹ ở quê ra chỉ thèm ăn trầu. Mớ trầu không có bao nhiêu nhưng con dâu không bao giờ mua chỉ vì không biết. Đến nỗi bà mẹ phải hái lá hồng xiêm ăn thay lá trầu, hàng xóm nói người con trai mới biết. Trong những cuộc mâu thuẫn giữa mẹ và vợ, người con trai nhiều khi phải đóng vai “vị quan tòa giấu mặt”, còn khó hơn quan tòa ở chốn công đường vì ở đó xét xử theo công lý, còn trong gia đình, lại phải xét xử theo tình cảm. Không những xử sao cho cán cân công lý thăng bằng mà còn phải khéo léo khi nghiêng bên này, khi ngả bên kia để cả hai cùng vừa lòng.

Làm được như thế người đàn ông phải khôn khéo, tế nhị, đôi khi đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật ứng xử nên phải mất khá nhiều công phu và tâm huyết mới có được. Đừng thấy hoàn cảnh nhà ai mẹ chồng – nàng dâu hòa hợp với nhau mà vội nghĩ rằng người đàn ông đó “tốt số”, may mắn có được mẹ hiền, vợ thảo. Thực ra, có được mối quan hệ tốt đẹp đó, phần lớn nhờ vào công sức và tài trí của chính anh ta.

Thực tế không ít người con trai chỉ biết kêu khổ khi cả mẹ lẫn vợ đều muốn lôi kéo anh ta về “phe” mình. Có người thiên vị, đứng hẳn về bên này để “chống lại” bên kia. Có người bất lực, khoanh tay đứng nhìn. Có thể nói, những thái độ đó đều là thiếu trách nhiệm đối với mối quan hệ với hai người phụ nữ thân yêu nhất đời mình mà chính vì mình, họ phải sống với nhau.

Khi người chồng đến ở rể cũng vậy. Vai trò “tình báo kép” lại vào tay người vợ vì chỉ có người con gái mới biết cha mẹ mình thích thế nào. Người chồng muốn chinh phục cha mẹ vợ rất cần những thông tin đó. Có ông bố vợ chỉ thích uống trà ngon nhưng anh con rể đi đâu về chỉ toàn mua bánh kẹo. Lại có ông bố thích làm thơ có lúc cao hứng muốn đọc cho con rể nghe thì anh ta lại nói thật là… không biết gì về thơ phú nên từ chối không nghe làm ông giận tím mặt.

Trái lại, tính khí anh chồng ra sao cũng chỉ có người vợ biết rõ nhất, nên chính cô ta phải lựa lời nói cho cha mẹ hiểu chồng mình. Có thể nói, người vợ chính là “cái van điều chỉnh” mối quan hệ. Có trường hợp hai bên thông gia không hiểu nhau. Lời qua tiếng lại khiến mâu thuẫn càng thêm căng thẳng. Khi đó, cả hai vợ chồng phải theo chính sách “ngoại giao con thoi”. Có khi phải “sáng tác” ra những câu chuyện sao cho đẹp lòng cả hai bên. Có người tự mua quà nhưng lại nói cha mẹ con có chút quà gửi biếu ông bà. Thực ra, những điều này không đòi hỏi tài năng nhiều lắm mà trước hết là cần có tấm lòng yêu thương cha mẹ cả hai bên, quan tâm vun đắp cho mối quan hệ tốt đẹp.

Theo nhật ký đàm thoại của trung tâm tư vấn hôn nhân, có thể thấy ngày nay không ít trường hợp những cuộc hôn nhân đổ vỡ chẳng phải vì xung đột vợ chồng mà vì mâu thuẫn ngày càng căng thẳng của một trong hai người, có khi là cả hai, với cha mẹ, anh chị em của hai bên. Cho nên, trước khi trách người khác nên tự xem lại chính mình.

Bạn đã làm gì để góp phần xây dựng mối quan hệ giữa những người thân yêu của mình? Hạnh phúc không phải ngẫu nhiên trên trời rơi xuống mà phần lớn là do chúng ta tạo dựng. Suy cho cùng chính vì cuộc hôn nhân của chúng ta mà mọi người có quan hệ với nhau, nên chúng ta không thể không có trách nhiệm với những mối quan hệ đó.
Theo PNO

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.