Để chống mắt đỏ, có thể để người được chụp hơi quay đi hướng khác, tránh trực diện với đèn flash.
Ánh sáng đèn đã tác động đến cầu mắt, làm mắt bị hiện tượng đỏ lên trong ảnh.
Ảnh: Ephotozine.
Khi chụp ảnh có đèn flash, nhất là đối với các máy du lịch, ánh sáng rất mạnh từ đèn một mặt làm cho khung cảnh sáng lên, một mặt tác động trực tiếp tới cầu mắt, đi xuyên qua đồng tử tới các mạch máu nằm ở phía sau, và chính ánh sáng phản xạ mạch máu này khiến cho mắt bị hiện tượng đỏ lên trong ảnh. Hiện tượng này có thể thấy cả trên mắt người và mắt động vật. Mỗi người hay mỗi động vật lại bị ánh đỏ khác nhau, phụ thuộc vào lượng sắc tố phía sau võng mạc.
Có nhiều phương pháp chống mắt đỏ. Dưới đây là một số phương pháp mà tạp chí Ephotozine đưa ra.
Thứ nhất, để người được chụp hơi quay đi hướng khác, tránh trực diện với đèn flash sẽ giảm thiểu hoặc hầu như không còn hiện tượng mắt đỏ.
Thứ hai, nếu máy ảnh có thể chỉnh được đèn, hãy đổi hướng phát đèn sao cho đèn không đánh trực diện vào mắt người chụp ảnh.
Thứ ba, nhiều máy ảnh có tùy chỉnh chống mắt đỏ bằng cách chớp vài cái truớc khi ảnh được chụp, vì thế nhớ chuyển sang chế độ này.
Thứ tư, nếu không thể chụp lại được thì cũng đừng quá lo lắng, bởi các phần mềm xử lý ảnh từ đơn giản nhất hầu như đều có tính năng khắc phục hiện tượng mắt đỏ nếu có trong ảnh.
Bổ sung thêm ánh sáng trong phòng cũng có thể giúp làm giảm hiện tượng mắt đỏ. Hầu hết các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đều phải tạo thêm các nguồn sáng khác để ảnh vừa không bị mắt đỏ, vừa trông “chuẩn” hơn.
Nguyễn Hà