Đó là tinh thần toát lên từ các phát biểu tại Đại hội Mỹ thuật toàn quốc lần VII tại Hà Nội (14-16/12).
Họa sĩ Lý Trực Sơn buồn và sốc khi thấy treo tại hội trường VIP Trung tâm Hội nghị Quốc tế – nơi diễn ra ĐH – “toàn tranh Nguyễn Thái Học” (ý nói loại tranh chép rẻ tiền bày bán trên phố Nguyễn Thái Học). Anh nhìn thấy ở đó trách nhiệm chưa tròn của Hội với dân tộc, lịch sử. “Chúng ta không phải hội ái hữu, mà phải góp phần đem lại ánh sáng văn hóa cho dân tộc, có trách nhiệm giáo dục về nghệ thuật. Chúng ta tồn tại, tìm tòi, sáng tác, triển lãm làm gì nếu nghệ thuật không đi đến đâu cả?!”. Họa sĩ lão thành Trần Quốc Tiến: “Ở các ngành khác, người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, riêng mỹ thuật thì không. Thường thấy người nước ngoài mua tranh Việt Nam chứ chưa hề bắt gặp tranh Việt Nam ở các cơ quan Việt Nam(?)”. Họa sĩ Cà Kha Sam, dân tộc Khơ Mú ở Sơn La phát biểu dí dỏm: “Nên cho họa sĩ dân tộc giao lưu với nước ngoài. Chẳng hạn đi Lào. Chúng tôi vừa biết tiếng Lào, vừa vẽ dân tộc. Nhưng các đồng chí Hà Nội lại tranh đi mất rồi. Chúng tôi không mong đi Tây Tàu, chỉ mong đi Lào”. Nhân một cuộc giao lưu triển lãm tác phẩm của họa sĩ Sơn La và Hà Nội, ông kể: “Vùng sâu xa không biết thế nào là hiện đại. Họ xem tranh nói: Họa sĩ này điên rồi, không biết gì rồi. Vẽ thực các ông bà sướng lắm: Nhân dân ở dưới được xem chúng tôi, chúng tôi thích lắm. Xuống dưới xuôi, lại bị sổ toẹt: Vẽ thực quá không có gì sáng tạo, vứt”. Có ý kiến rằng cần tổ chức các cuộc tọa đàm sau mỗi lần trao giải, triển lãm khu vực của hội. Họa sĩ lão thành Phạm Khải Hồng: “Tác phẩm hay, giá trị nghệ thuật bị người xem cho là khó hiểu, xa lạ, trong khi họ rất thích những tác phẩm bình thường. Nên có những cuộc tọa đàm về học thuật đi kèm mỗi lần trao giải, triển lãm, qua đó phân tích quan điểm, tiêu chí chấm giải. Tổ chức xuề xòa bấy nay chỉ tốn công của, thời gian”. Vẫn còn tình trạng tranh của 11 tỉnh mà chỉ treo trong 10 ngày, lượng người xem không bằng số họa sĩ có mặt trong buổi lễ triển lãm… Chế độ đãi ngộ qua những triển lãm của Hội xem ra cũng chưa thỏa đáng, khi nhuận treo chỉ bằng một nửa hay vừa xoẳn tiền vận chuyển tác phẩm tới triển lãm, mà chưa chắc đã được treo. “Hỗ trợ tiền nhuận treo vừa phải sẽ kích thích nhiều tác giả tham gia triển lãm hơn”, một họa sĩ nói. Khoảng cách giữa những xu thế thời thượng trong nghệ thuật với nhận thức của công chúng xem ra còn khá xa. Đại biểu Hoàng Hoa Mai (Khánh Hòa) đề nghị: “BCH nên có định hướng uyển chuyển trong tiếp thu mỹ thuật quốc tế. Vào một triển lãm trung ương hoặc khu vực, tỷ lệ bao trùm trừu tượng, siêu thực, tranh hiện thực hẹp lại. Điều chỉnh xu hướng mới thế nào là hợp lý? Thế nào là vị nhân sinh? Các triển lãm cần mở rộng tới đối tượng công chúng. Chưa kể, các họa sĩ lại đổ xô theo những phong cách ấn tượng, lạ được HĐNT chấm giải”. Một mảng có thể coi là vị nhân sinh nhất Hội là biếm họa xem ra lại chưa được quan tâm đúng mức. Cho dù trong giới mỹ thuật, các họa sĩ biếm được xem như đi đầu ở phương diện góp phần bảo vệ tổ quốc, nêu cao quyền công dân. Họa sĩ Lý Trực Dũng cho hay: “Toàn bộ nhuận bút tranh biếm bằng ấy năm tôi vẽ không bằng mấy bức tranh lụa tôi bán được”. Người điều hành ĐH Nguyễn Đỗ Bảo bình luận: “Ý kiến sâu sắc, nếu chúng ta suy nghĩ có thể rơi nước mắt”.
Nguyễn Mạnh Hà |