Bạn đang tìm một phương cách độc đáo để chào mừng đêm Giao thừa Dương Lịch?
Bạn có thể chọn mục khiêu vũ dưới ánh sáng của “Mặt trăng Xanh”, một hiện tượng rất hiếm khi xảy ra.
Ảnh chụp chung quanh một hố trên mặt trăng
Hiện tượng thiên văn này sẽ chiếu sáng bầu trời vào đêm thứ Năm 31 tháng 12, đánh dấu điểm kết thúc thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.
Tuy nhiên đừng hy vọng rằng ánh sáng của mặt trăng sẽ biến thành màu xanh.
Sở dĩ có tên gọi “Mặt Trăng Xanh” là vì tính hiếm hoi của hiện tượng, chứ không phải vì màu sắc.
Hiện tượng “Mặt trăng Xanh” xảy ra khi có đến hai mặt trăng tròn, thay vì chỉ có một, trong cùng một tháng.
Những người đón mừng năm mới Dương lịch có thêm một lý do khác nữa để ăn mừng trong năm nay.
“Mặt trăng Xanh” xuất hiện 2 năm rưỡi một lần, nhưng chuyện “Mặt trăng Xanh” mọc vào đúng đêm Giao thừa Dương Lịch thì cực kỳ hiếm.
Lần cuối cùng “Mặt trăng Xanh” xuất hiện vào đêm Giao thừa Tây là vào năm 1990.
Hiện tượng này sẽ không xuất hiện lại cho đến năm 2028.
Hàng trăm năm nay từ “Mặt trăng Xanh” được dùng trong tiếng Anh để chỉ những biến cố phi lý hoặc khó có thể xảy ra.
Tại Hoa Kỳ, định nghĩa hiện đại của từ Blue Moon biến đổi từ năm 1946 khi tạp chí “Sky and Telescope” định nghĩa biến cố này trong một bài viết có tựa đề “Once in a Blue Moon”, tạm dịch là “năm thì mười họa”.
Từ “Mặt trăng Xanh” hiện nay đã trở thành một thành ngữ thông dụng để chỉ sự hiếm hoi của một biến cố.
Từ này được nhiều người biết tiếng qua một bài hát cổ điển do nhà hòa âm Richard Rogers và Lorenz Hart soạn nhạc.
Bản nhạc trở nên quen thuộc qua giọng hát của các ca sĩ nổi tiếng như Elvis Presley, Frank Sinatra, Louis Amstrong và nhóm doo-wop Marcels.
Theo VOA