Ngọc Thái không xa lạ với công chúng, nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong và ngoài nước đã đưa ông vào danh sách những người nổi tiếng nhất trong làng ảnh VN. Nhưng cuộc chơi lần này có lẽ mới là lần ra mắt ấn tượng nhất sau hơn 30 năm gắn bó với nghề ảnh.
|
Điều bất ngờ đầu tiên là khi hầu hết người chụp ảnh đều chuyển sang dùng máy ảnh kỹ thuật số tối tân thì Ngọc Thái vẫn chung thủy với cặp máy ảnh Đức cỡ 6×6 cm hiệu Rolleiflex ngang tuổi với chính mình, nó từng rớt xuống biển Hạ Long năm ngoái.
Khác với tỷ lệ 3×4 hoặc 4×6 thông dụng đối với các máy ảnh hiện đại, khung hình vuông đòi hỏi người chụp cần có một con mắt bố cục đặc biệt, đó chính là “con mắt vuông” mà Ngọc Thái dùng để “nhìn đời” qua ống kính và chắt lọc từng chi tiết để có một bức ảnh hoàn chỉnh không thêm bớt. Chứng minh cho sự vuông vắn ấy, Ngọc Thái rọi nguyên cả rìa phim mà không cắt cúp.
Để những người chụp ảnh thời hiện đại hiểu được công việc chụp và làm ảnh đen trắng diễn ra như thế nào, Ngọc Thái còn bài trí trong triển lãm một máy phóng ảnh, các loại xô chậu, phim, giấy y như thật.
Lại phải nói thêm rằng, một cuốn phim đen trắng loại 120 hiện có giá từ 100 – 120 nghìn đồng và chỉ chụp được có 12 kiểu. Bao nhiêu cuốn phim đã được chụp để được 31 khung hình ưng ý có thể rọi ra mà không cắt cúp, Ngọc Thái không đếm được, ông chỉ nhớ là đã chụp trong 10 năm ở rất nhiều nơi. Vì thế bộ ảnh sẽ đưa ta đi từ Bắc chí Nam qua những con mắt hình vuông đóng khung từng khoảnh khắc.
Có thể đó là những bà già ngồi bên ngôi nhà cổ ở Bắc Ninh, những con thuyền nan đỗ bên bờ vịnh Hạ Long, những người phụ nữ chờ cá ở bờ biển Phan Thiết… Trong sự chuyển sắc nhẹ nhàng từ đen tới trắng, phảng phất nét hào hoa của người nghệ sĩ đất Hà thành.
Ảnh trắng đen sẽ còn hay mất? Những ô phim hình vuông truyền thống của máy ảnh 6×6 cm cách đây 60 năm sẽ đi về đâu? Ngọc Thái nói rằng năm nay ông 57 tuổi, và sẽ chụp ảnh đen trắng bằng máy vuông cho đến khi nào tuổi tới 100. Ảnh đen trắng sẽ không chết, những bố cục vuông sẽ không chết, miễn là người ta có một tình yêu đối với nghệ thuật khá đặc biệt này.
Lưu Quang Phổ