Nhóm tác giả dưới sự chủ trì của hai họa sĩ Võ Xuân Huy và Lê Bá Cang đến từ Trường đại học Nghệ thuật Huế vừa bắt tay thực hiện 150 mẫu gốm cho làng gốm cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) nhằm góp phần phục hồi nghề gốm vốn đã bị mai một tại làng.
Một số mẫu mã gốm trang trí vừa được tạo ra dựa trên chất liệu gốm cổ của làng Phước Tích – Ảnh: V.X.H. |
Dựa vào nghiên cứu các đặc điểm về chất liệu, chủng loại… của gốm cổ làng Phước Tích, nhóm tác giả sẽ phục hồi một số mẫu vật dụng gốm cổ của làng còn phù hợp với nhu cầu sử dụng hiện nay, đồng thời tạo dáng mới theo kiểu chuyển đổi công năng từ gốm gia dụng sang gốm trang trí – ứng dụng. Công việc nói trên nằm trong dự án nghiên cứu và phát triển mẫu mã cho làng gốm Phước Tích do tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt với tổng số tiền 327 triệu đồng, dự kiến hoàn thành giữa năm 2011.
Làng nghề gốm cổ Phước Tích hình thành từ cuối thế kỷ 15, là làng gốm hiếm hoi của khu vực miền Trung chuyên sản xuất dòng gốm gia dụng không men có kích thước tương đối nhỏ như: om, nồi, ấm, bình vôi, hũ, vại…
Thái Lộc
Theo TTO