ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Họa sĩ Đào Hải Phong buồn vì cứ phải viễn du
Sunday, January 17, 2010 14:14
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Mỗi năm một lần, Đào Hải Phong-họa sĩ của những bức tranh phong cảnh độc đáo lại khăn gói xuất ngoại theo lời mời của những nhà tổ chức triển lãm quốc tế. Anh vừa trở về từ cuộc triển lãm mang tên Điểm đến của hòa bình tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản lại đang chuẩn bị tinh thần cho cuộc trưng bày tiếp theo tại thủ đô London (Anh) và đặc biệt là triển lãm “tạ ơn” thủ đô Hà Nội sau rất nhiều năm vắng bóng.

Mê mẩn văn hóa Nhật

Họa sĩ vừa có cuộc triển lãm tranh tại nhà triển lãm Torrizaka Art, Nhật Bản. Lần xuất ngoại này của anh có gì đặc biệt so với mọi năm?

Điều tôi bất ngờ là những tác phẩm trong triển lãm của mình tại thủ đô Tokyo lần này chủ yếu dành cho những người châu Âu, Mỹ sống ở Nhật, chứ không phải cho người dân xứ sở hoa anh đào. Bởi người châu Âu, đặc biệt là Mỹ rất quan tâm đến hội họa trên toàn thế giới, họ đi khắp nơi để tìm hiểu những vấn đề về văn hóa của các dân tộc khác. Trước đây, những họa sĩ giỏi cũng phải sang Mỹ mới làm được cái gì đó.

Mô tả ảnh.

Họa sĩ Đào Hải Phong.

Ở Nhật, người dân thường chơi những đồ trang trí truyền thống như búp bê, cái này vốn đã quá hay và đẹp rồi. Người thuộc tầng lớp trung lưu thì hay mua tranh của chính những họa sĩ nổi tiếng của Nhật, những ông chủ giàu có thì mua tác phẩm của các danh họa thế giới mang về nước mình. Tóm lại, họ là dân tộc “ăn tinh”. Ngay cả bữa cơm bình thường cũng vậy. Tôi lấy ví dụ, bữa ăn ở bảo tàng, đựng trong cái khay nhỏ mà trông như một tác phẩm sắp đặt, mỗi món chỉ như viên kẹo nhưng đủ màu sắc. Người nào ăn xong tự tay bỏ khay vào sọt rác, không có người phục vụ.

Bảo tàng của họ rất quy mô, phải mất ít nhất một ngày mới xem được tương đối các họa phẩm ở đây, vì thế khách phải ăn trưa tại chỗ. Với sự quan tâm thế này, người xem có thể chưa hiểu hết giá trị tác phẩm nghệ thuật nhưng được đắm mình vào không gian ấy, khiến họ hiền hòa hơn, tiêu tan bớt những mưu toan, ham muốn không nằm trong tầm tay họ.

Mô tả ảnh.

Bến thuyền, tranh của Đào Hải Phong.

Anh có vẻ bị hấp dẫn bởi văn hóa Nhật Bản? Vì sao vậy?

Phải nói là tôi bị mê đắm bởi nét đẹp văn hóa nơi đây. Tôi từng đi nhiều nước châu Âu nhưng thấy Nhật Bản là nước mình nên học tập về văn hóa. Họ thể hiện sự kiêu hãnh nhưng thực ra rất gần gũi. Người Nhật giống như một gia đình có cả núi vàng nhưng ra đường chỉ đeo chiếc nhẫn mỏng bằng sợi len. Số là, tôi được BTC sắp xếp ở một khách sạn thiết kế theo phong cách cổ. Đến đây, tôi “choáng váng” vì thấy ở phòng khách treo ba bức tranh của danh họa Renoir, mà mình chỉ được xem qua sách hay được biết rằng chỉ các bảo tàng lớn mới sở hữu!

Người có văn hóa hiểu rằng những bức tranh này từng nằm trên những sàn đấu giá quốc tế và ông chủ đã mua với giá nhiều triệu đô la về treo trong khách sạn. Họ thức tỉnh con người ta rằng cuộc đời này còn rất nhiều giá trị chứ không chỉ có mưu sinh, tiền bạc. Ngày xưa, tôi cũng bị nhầm lẫn nhưng khi đi Nhật về thì hết.

Còn điều gì khiến anh trở thành “con người khác”, sau cuộc triển lãm tại đây?

Có một bà giáo mời tôi đến một ngôi trường Mỹ đặt tại Nhật Bản để vẽ tranh cho các học trò. Đầu tiên, tôi chỉ định tạo bức tranh theo đúng “style” của mình, sau thấy các em học sinh vô cùng hứng thú, nên nảy ra bố cục mới: căng tấm vải toan lên, soạn sẵn màu, em nào thích màu gì thì tô lên đó. Đặc điểm tranh của tôi là bao giờ cũng phải tô kín nền trắng, sau mới vẽ, và các em là người thực hiện công đoạn đầu tiên. Lúc ấy, sao tôi thấy bọn trẻ đáng yêu thế, vậy mà trước đây mình không hề thích chúng. Bà giáo còn bảo tôi: “tiếp xúc nhiều giờ mới thấy mày cười tươi thế”. Tôi nghĩ rằng, trước mình ghét con nít vì cái cách người lớn dạy chúng.

So với châu Á, nghệ thật ở Việt Nam còn rẻ rúng, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tự thân tác phẩm chỉ có giá trị nghệ thuật, còn giá trị quảng bá hay sự “đong đếm” thì phải có những sự bổ trợ khác mà đó là những cái chúng ta thiếu.

Buồn vì cứ phải đi xa

Anh triển lãm tranh ở nước ngoài nhiều hơn trong nước. Nhưng ngay tại Hà Nội mỗi năm có đến hàng trăm triển lãm mà khán giả lại chẳng mấy khi được xem tranh của anh. Lý do gì khiến anh chỉ thích mang tranh ra nước ngoài?

Nhiều người cũng hỏi sao không triển lãm tranh ở Hà Nội, tôi cũng trả lời mềm mại, dễ nghe thôi chứ nói thật thì dễ… mất lòng. Khi muốn triển lãm của mình là “quà tặng” thì có thể tổ chức trong nước, còn đã là họa sĩ chuyên nghiệp tức phải lên sàn đấu để lấy lợi nhuận nuôi sống gia đình, mà cũng chỉ có công chúng nước ngoài mới nuôi được mình.

Mô tả ảnh.

Sau cơn mưa.

Nhưng ngày hôm nay, tôi cũng thấy buồn: Vì sao mình cứ phải viễn du như thế? Và ít nhất 20 họa sĩ Việt Nam cứ phải đi triền miên. Tiếc rằng, mình có một món ngon mà không được người trong nước mình thưởng thức, để cho người nước ngoài lấy mất…

Ở Việt nam, công chúng hội họa rất hẹp. Người hiểu mỹ thuật không thể thiếu văn hóa và tri thức, hơn nữa muốn sở hữu tranh thì phải là người giàu có. Hiện tại tranh vẫn là thứ xa xỉ với đại bộ phận người dân mình.

Kế hoạch sắp tới của anh lại đi đâu?

Bây giờ, tôi đã có kế hoạch cho triển lãm vào tháng 11 năm sau tại London. Nhưng năm nay là năm đặc biệt và đã chạm vào miền tình cảm của tôi, vì thế tôi muốn làm điều gì đấy về Hà Nội để tạ ơn mảnh đất nuôi dưỡng mình. Tôi sẽ có một cuộc trưng bày sau hơn một thập kỷ không triển lãm tại quê hương. Từ nay đến tháng 8, tôi cố hoàn thành khoảng 20 bức tranh để mang đến cho khán giả một Hà Nội khác, Hà Nội của riêng tôi.

Mô tả ảnh.

Hương cỏ may.

Năm nay, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội sẽ có rất nhiều nghệ sĩ “khoe” tác phẩm hay nhất của mình. Anh có sợ mình bị chìm vào đám đông ấy?

Tôi có phong cách vẽ tranh phong cảnh không giống ai trong suốt cả thế kỷ hội họa Việt Nam. Điều này tôi dám khẳng định. Cha là họa sĩ nên tôi theo dõi và nắm được hội họa từ khi còn nhỏ. Bậc cha ông thường vẽ rất truyền thống, còn thế hệ mình đã tìm được phong cách mới với đề tài quen thuộc. Theo tôi, hội họa quan trọng nhất vẫn là hình thức, muốn gây ấn tượng phải thay đổi hình thức. Tôi thấy mình đã đi qua được bậc thầy lớn của mình.

(theo vietnamnet)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.