ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp: Duyên nợ Đà Lạt
Sunday, January 31, 2010 16:00
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


“Đà Lạt không phải nơi tôi sinh ra, nhưng duyên nợ thật nhiều. Vì thế, tôi xem Đà Lạt là quê hương thứ 2 của mình”, họa sĩ Vi Quốc Hiệp tâm sự.

Không phải ngẫu nhiên mà ở vùng đất Đà Lạt lại nuôi dưỡng nhiều tài năng nghệ thuật. Có 2 lý do mà các nghệ sĩ tâm niệm và sáng tạo: Đà Lạt thật đẹp và rất sợ cái đẹp ấy mất đi… Vi Quốc Hiệp cũng không thoát khỏi tâm hồn của một chàng nghệ sĩ lãng mạn nên anh thường tâm sự, đừng hỏi tại sao tôi yêu Đà Lạt, bởi Đà Lạt không phải chỉ tôi yêu. Họa sĩ Vi Quốc Hiệp nói nhanh trong tiếng đàn ghi ta, tiếng hát trầm bổng du dương vút cao từ đáy lòng của một con người nghệ sĩ lãng mạn, nhưng chân chất chút làng quê và đằm thắm nghĩa tình.

Vi Quốc Hiệp sinh ra ở Lạng Sơn, người dân tộc Tày nhưng anh đã trở thành người con của vùng đất Tây Nguyên đại ngàn từ nhiều năm nay. Anh hiện là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trời phú cho anh một con người có dòng máu nghệ sĩ, đa mang. Nhiều người biết Vi Quốc Hiệp không chỉ vì anh đã từng tham gia hàng chục cuộc triển lãm tranh trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia ở Hà Nội, triển lãm tranh ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt… và cả nước ngoài, mà anh còn được nhiều người biết đến là tác giả của nhiều tập thơ rất trữ tình và bản nhạc lãng mạn.

Hội họa của Vi Quốc Hiệp như một thiên bẩm, đường nét rất tung tẩy, sâu sắc, biểu hiện của một tư duy mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Xem tác phẩm tranh của anh có nét riêng biệt không thể lẫn với bất kỳ tranh của ai khác trong nước cũng như trên thế giới. Đà Lạt, thành phố buồn ngàn hoa trong sương mờ đi vào tranh của Vi Quốc Hiệp ẩn chứa nhiều dự cảm sâu sắc và lắng đọng trữ tình. Những gì thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Lạt rất đặc trưng của phố núi sương mờ như thông, biệt thự cổ Đà Lạt, hay thiếu nữ má hồng hiện lên tranh qua cái nhìn khá tài tình của chàng họa sĩ Vi Quốc Hiệp.

Tranh anh có một phong cách khá riêng và hấp dẫn, bởi những tâm sự sâu lắng sau những nét phong sương và sắc màu trầm lặng. Có người bảo Vi Quốc Hiệp rất khôn vì đã biết chọn cái riêng, nét đặc trưng nhất của Đà Lạt để vẽ. Anh cười thật hiền và nói: “Không phải khôn hay dại mà vì tôi và nhiều người yêu Đà Lạt nên không muốn Đà Lạt mất đi vẻ đẹp ngàn đời của nó”.

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp: Duyên nợ Đà Lạt - Tin180.com (Ảnh 1)

Tranh vẽ biệt thự Đà Lạt cổ của Vi Quốc Hiệp.

Tôi biết Vi Quốc Hiệp từ thời còn sinh viên, mới “chân ướt, chân ráo” lên Đà Lạt, nhưng mãi đến năm 2007, sau 12 năm xa cách và trở lại Đà Lạt mới thực thụ được ngắm tranh của anh và hiểu nhiều về anh hơn.

Lần ấy anh triển lãm tranh trong dịp chào mừng Festival Hoa Đà Lạt 2007, tại khách sạn Hoàng hậu Gallery Huyền Trân (số 8, Hồ Tùng Mậu, Đà Lạt). Đà Lạt hút khách có hai cái đẹp là hoa và thiếu nữ thì họa sĩ Vi Quốc Hiệp đã chọn chủ đề triển lãm tranh của mình là “Hoa và phái đẹp”.

Triển lãm lúc ấy đã thật sự lưu luyến du khách với 64 bức tranh phần lớn vẽ về hoa Đà Lạt và phái đẹp. Những nét đẹp trữ tình của phố hoa, những thiếu nữ mượt mà và đầy chất thơ đã được tái hiện trong tranh Vi Quốc Hiệp một cách sâu sắc và ấn tượng. Đó cũng là kết quả suốt một thời gian dài sáng tạo của họa sĩ Vi Quốc Hiệp rong ruổi khắp nơi trên mọi miền xa xôi của Tổ quốc. Anh cắp cọ lên tận Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Cao Bằng, rồi về các buôn làng hẻo lánh của Tây Nguyên mà lòng không mệt mỏi.

Hoa và người đẹp trong tranh Vi Quốc Hiệp như được kết tinh từ tình yêu cái đẹp trong con người họa sĩ một cách rất nên thơ. Không dừng lại ở đấy, với chủ đề “Xuân”, họa sỹ Vi Quốc Hiệp cũng đã từng mở phòng tranh cá nhân lần thứ 16 tại Gallery Ý Ngọc- Sỹ Hoàng (quận 1, TP HCM) với 40 tác phẩm mỹ thuật được anh sáng tác trong thời gian gần đây theo các mảng đề tài về biệt thự Đà Lạt, hoa Đà Lạt và thiếu nữ…

Rồi dịp kỷ niệm 115 năm Đà Lạt vừa qua, Vi Quốc Hiệp đã tổ chức triển lãm tranh cá nhân với chủ đề biệt thự cổ Đà Lạt. Trong 115 tác phẩm ra mắt công chúng trong dịp kỷ niệm 115 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (tháng 12/2008), tranh vẽ về Đà Lạt có đến 90 bức đặc sắc. Tranh được Vi Quốc Hiệp chuẩn bị từ những năm 2003. Những cái đẹp và sự bí ẩn của Đà Lạt thơ mộng được thể hiện trong tranh của Vi Quốc Hiệp là một Đà Lạt đượm chất huyền thoại nhưng cũng không thiếu sự cộng hưởng nét hiện thực phong phú. Nét trữ tình được thể hiện trong những “Thành phố trong rừng cây”, “Đà Lạt thấp thoáng”, “Thành phố trong sương”, “Biệt thự sau đồi”, “Huyền thoại thác”, “Rừng trong thành phố”…

Thưởng thức tranh của Vi Quốc Hiệp chúng ta dễ nhận thấy cái tự nhiên huyền ảo của Đà Lạt được nuôi dưỡng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Những cái đẹp có một không hai của Đà Lạt trong những ngày ấy được hình thành từ lúc cái hoang sơ còn nhiều hơn sự công nghiệp hóa, và sức tàn phá của con người. Cũng có lẽ khi ấy Vi Quốc Hiệp mới vừa đặt chân lên Đà Lạt, được “tắm” mình trong sương mờ lãng đãng và vẻ đẹp ấy còn nguyên vẹn tự nhiên hơn. Nhưng đứng trước cái đẹp ai cũng luôn luôn sợ mất đi. Níu giữ cái đẹp trong con người nghệ sĩ là muốn giới thiệu, bày tỏ cho công chúng biết giá trị quý của nó, biết thưởng thức, trân trọng và đừng bao giờ lãng quên. Có lẽ vì thế mà Vi Quốc Hiệp cũng như nhiều nghệ sĩ tâm huyết khác khi đến Đà Lạt, hiểu Đà Lạt đều luôn có ý tưởng về việc giữ gìn cái đẹp của Đà Lạt như vốn có tự nhiên của nó đến mãi mãi ngàn đời.

Ai cũng thừa nhận, nếu Đà Lạt không còn thông, không còn biệt thự cổ thì không còn Đà Lạt như vốn có của nó. Có anh bạn làm báo Nguyễn Hàng Tình của tôi ở Đà Lạt quanh năm “ôm giữ” những cây thông như giữ của chính mình. Mỗi khi có cây thông bị đốn hạ là thấy anh có mặt để đưa lên báo. Có người lại bảo Tình “điên” nhưng thực ra anh chẳng điên chút nào bởi luôn muốn giữ cho Đà Lạt mãi là Đà Lạt sương mờ.

Cũng giống như Vi Quốc Hiệp, “Thành phố trong rừng và rừng trong thành phố” là một điểm nhấn đặc biệt ở tranh của anh. Cùng với thông, thiếu nữ, “Ấn tượng biệt thự cổ Đà Lạt” là “cái đinh” mà Vi Quốc Hiệp muốn chứng minh với mọi người đừng bỏ rơi Đà Lạt bị mất trong cuộc đô thị hóa của du lịch hiện đại và công nghiệp ống khói.

Kể chuyện vẽ biệt thự, anh bảo khi ấy phát hiện biệt thự cổ chỉ có ở Đà Lạt mà chưa ai vẽ, mỗi ngôi biệt thự có kiến trúc khác nhau. “Ấn tượng về những bức tranh biệt thự cổ tôi vẽ đầu tiên vào năm 1983”. Vẽ xong biệt thự này lại ấn tượng với biệt thự khác, dần dần ấn tượng trở thành một dòng cảm xúc sáng tác giúp tôi thăng hoa và kiên trì đề tài đó đến giờ. Khi ấy anh cố gắng vẽ ký họa thật nhiều, với nhiều kiểu dáng riêng. Phương tiện đi lại bấy giờ cũng chỉ có chiếc xe đạp nhưng anh đã lặn lội đi khắp các vùng trong Đà Lạt để vẽ biệt thự cổ.

Khác với những khu phố cổ nơi khác, biệt thự Đà Lạt ở trong rừng thông, sương mờ và có cả hoa dại cúc quỳ vàng rực rỡ sau những mùa mưa kết thúc, nên không lẫn đâu được trên đất nước này. Vì vậy những bức tranh của Vi Quốc Hiệp luôn mang đậm dấu ấn thiên nhiên, hơi thở của riêng Đà Lạt ngàn xưa thông reo vi vu, Đà Lạt ngàn hoa đua sắc, ngàn biệt thự cổ của thành phố trong rừng thông…

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp: Duyên nợ Đà Lạt - Tin180.com (Ảnh 2)

Vi Quốc Hiệp đã gắn bó với xứ Đà Lạt sương mờ.

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp năm nay đã ngoài tuổi 60 nhưng sức vẫn còn dẻo dai và lãng mạn không kém. Cùng với hội họa, anh còn làm thơ, viết nhạc và hơn 30 năm gắn bó và yêu Đà Lạt như một duyên nợ. Cuộc đời anh cũng lắm thăng trầm. Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1971 anh tình nguyện đến với đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc ở Hà Giang. Ở đây anh cũng từng vẽ tranh, làm thơ và sống hết mình với đồng bào ở các bản làng xa xôi, cùng núi đá. Nhưng rồi năm 1978, anh được Bộ Văn hóa điều vào Tây Nguyên và lên công tác tại Đà Lạt, Lâm Đồng.

Đến với miền đất lạ, cái đẹp của Đà Lạt đã “hốt” hồn anh say mê và anh đã lang thang đi khắp các con đường đồi dốc quanh co để tự tình và vẽ tranh, làm thơ, sáng tác nhạc. Rừng thông, biệt thự cổ, dã quỳ cùng ngàn hoa tươi và thiếu nữ Đà Lạt ẩn chứa cùng trong một vẻ đẹp sương mờ giữa hiện thực trên cao nguyên thơ mộng này mà cứ ngỡ như một góc khuất ở thiên đường nào đấy. Vẻ đẹp thiên nhiên hòa vào niềm đam mê sáng tạo đã giúp Vi Quốc Hiệp thăng hoa và lao động sáng tạo không biết mệt mỏi. Tranh anh ra đời như một duyên nợ với Đà Lạt. Rồi cứ mỗi một dịp kỷ niệm ngày sinh của thành phố Đà Lạt sương mờ, anh lại mang tranh của mình ra triển lãm như cảm ơn trời đất Đà Lạt đã dành cho anh những cảm xúc đến bất tận.

Anh có 16 cuộc triển lãm tổ chức trong và ngoài nước. Tranh của anh nhận được nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, được lưu giữ trong các bảo tàng mỹ thuật trên cả nước và trong các bộ sưu tập cá nhân ở Anh, Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Phần lớn những cuộc triển lãm của anh phục vụ công chúng bằng cả tấm lòng tri ân. Toàn bộ tiền thu được, cùng một phần tiền bán tranh, được anh chuyển vào quỹ giúp đỡ người nghèo tỉnh Lâm Đồng.

Bây giờ, cuộc sống của anh cũng giản dị và chân tình như niềm đam mê nghệ thuật. Sống hiền hòa và vui hết mình. Khi có bạn bè từ Hà Nội vào Đà Lạt tìm gặp để trò chuyện, anh lấy đàn ghi ta ra hát và nhảy cả điệu khèn Tây Bắc. Tôi cảm xúc trước cuộc sống chân tình của anh và coi anh như một sự tri ân vì chính anh đã làm cho nhiều người biết và hiểu hơn về Đà Lạt yêu quý

Theo ND

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.