Vừa sau một tuần công tác trong Nam ra, anh Cường đã được các nhân viên đón chào bằng một chỉ thị: ’Ngày mồng 1 Tết, bọn em bận hết, anh sẽ là người trực vì anh… lười trực nhất!’
|
Ảnh minh họa |
“Giá trị đảo lộn”
Ở nhiều công ty, nhân viên nhìn thấy sếp chả khác nào gặp “cọp”, người cúi gập hình chữ L chào từ xa. Sếp bước vào phòng là có thư kí pha trà nóng hôi hổi, chỗ ngồi của sếp lúc nào cũng tinh tươm, sạch sẽ, thậm chí mặt bàn luôn phải có một lọ hoa được cắm sẵn để sếp cảm thấy làm việc trong một không gian thoải mái nhất. Còn ứng xử thì khỏi nói. Sếp “gọi dạ bảo “vâng”, kính cẩn đúng nghĩa bề trên.
Nhưng chị Trân (30 tuổi, Hà Nội) thì khác. Chị vừa cười vừa kể: “Đấy! Đường đường là trưởng bộ phận một công ty lớn, cầm trong tay ’sinh mạng’ của hơn hai chục con người, thế mà buổi sáng ngày ra, nếu mình có lỡ đến văn phòng muộn chừng nửa tiếng, các nhân viên đã ngồi yên vị làm việc, thì đố có đứa nào dám quay ra gật đầu cười chào mình một tiếng. May ra mắt chúng nó chỉ lướt qua mặt mình một cái lạnh te rồi lại tiếp tục chúi đầu vào máy tính!”.
Chị Trân kể, lắm khi khát nước cháy họng, chị cũng chỉ dám thẽ thọt nhờ ai đó ngồi cạnh: “Em ơi, lấy giúp chị cốc nước với!”. Nhưng chẳng phải lúc nào cũng có đồ uống ngay tắp lự, nếu cấp dưới đang bận rộn thì cũng lờ lớ lơ luôn, lời nhờ vả của sếp sẽ theo gió bay đi vào hư không, chị đành tự lủi thủi ra tự lấy.
Bàn làm việc của chị cũng chẳng được đặc biệt hơn các nhân viên. Công việc bận rộn, chị chẳng có thời gian chăm sóc cho cái góc làm việc nhỏ xíu của mình, bởi vậy nó luôn ở trạng thái… lanh tanh bành. Có thể nói đó là nơi… bừa bãi nhất phòng. Thế nhưng chả bao giờ xuất hiện em “cưng” nào manh nha có ý định dọn dẹp giúp chị. Thậm chí, chúng nó còn đồng tình phê phán: “Chả có bà sếp nào lại lôi thôi như chị đâu!”.
Đã thế, cái phòng quá nửa dân số là phụ nữ này còn chật chội, họ có cái tục ăn quà như mỏ khoét tại công ty và cứ ai nghỉ làm thì chỗ ngồi của người đó nghiễm nhiên trở thành bàn ăn để tha hồ mắm muối mặm muội giăng đầy. Chị Trân hay đi họp, nhiều hôm, cứ đi vắng chừng 1 tiếng thôi, lúc quay về, chỗ chị ngồi hóa cái bãi rác Thành Công thập niên 90, mà công đầu là các nhân viên “ưu tú”.
Trong công ty đã vậy, bước ra khỏi ranh giới công việc, “vua-tôi” còn suồng sã hơn. Có lần, đi ăn trưa, quên mang ví, chị vay tạm một đứa trong phòng 50 chục nghìn và nhỡ mồm trêu nó: “Hay mày bao chị nhé!”. Lập tức con nhỏ cấp dưới đáo để đứng phắt dậy, cũng nửa đùa nửa thật dõng dạc tuyên bố: “Còn lâu! Chị đừng tưởng là sếp mà ăn quỵt của em được nhé!”. Nó chả buồn để ý ngồi quanh đó có bao nhiêu nhân viên các phòng ban khác đang trợn tròn mắt lên nhìn mình.
Có thể nói, không mấy người nào làm sếp lại bị nhân viên “vùi dập” như chị Trân. Nhưng trường hợp của chị cũng chưa phải cá biệt, anh Hải Cường (31 tuổi, trưởng phòng maketing một công ty phần mềm) cũng ở trong hoàn cảnh tương tự.
Vừa mới mệt mỏi sau một tuần công tác trong Nam ra, anh Cường đã được các nhân viên đón chào bằng một “chỉ thị”: “Ngày mồng 1 Tết, bọn em bận hết rồi, anh sẽ là người trực vì anh… lười trực nhất!”
Đúng là “giá trị đảo lộn”, ai đời cấp dưới đi giao nhiệm vụ cho cấp trên và “vỗ” thẳng mặt sếp như vậy! Song anh Cường cũng chỉ biết cười khô héo “cam chịu” bởi các nhân viên đã “chốt” thế rồi.
Anh Cường cho hay, các nhân viên của anh đều là những người rất “cá tính”, chuyện thỉnh thoảng họ “dội bom trực”, giao nhiệm vụ ngược lại cho anh chẳng có gì lạ. Và đương nhiên, họ là những kẻ không phải muốn sai phái gì cũng được!
Thỉnh thoảng, công ty phát động chương trình văn nghệ, tạp kĩ, các phòng ban khác, sếp chỉ định ai là người ấy phải tham gia. Nhưng riêng chỗ anh Cường, sếp chưa đủ to để quyết định! Có khi đi nài nỉ sùi bọt mép mà vẫn chả nhân viên nào chịu nghe theo sếp. Mở miệng ra là họ vùng vằng bảo: “Em bận lắm! Chịu thôi!”.
Tủi nhất là giờ nghỉ trưa hàng ngày, có khi anh Cường chịu thiệt, “bao” nhân viên đi ăn thế mà cũng không có ma nào thèm nhận lời mời của anh. Họ thì thầm nhau nhưng đủ để sếp nghe thấy: “Đi ăn với anh Cường chán lắm, toàn nói chuyện công việc, đau cả đầu!”. Rốt cục, anh Cường thường xuyên “thân cô thế cô” một mình tại căng tin, hoặc phải tự đi tìm những người cùng “đẳng cấp” với mình.
Còn chuyện bị “vỗ mặt” thì chả có ngày nào anh không bị các “đàn em” vỗ nhẹ cho vài cái.
Có lần, sáng ngày ra anh Cường vác bộ mặt thiểu não đến công ty và bộc bạch: “Anh bị mất ví, mất toi bao nhiêu giấy tờ và 1 triệu đồng, bị vợ ’rủa’ suốt từ sáng đến giờ đây này…”. Tưởng được các em thông cảm, nào ngờ họ mỗi người một câu, đều tủm tỉm cười rồi đồng loạt chĩa mũi nhọn vào anh: “Vợ mắng là đúng rồi còn gì… Em chưa thấy có ai đãng trí, cẩu thả như anh đâu!”.
Hay như chuyện anh Cường hứa chiêu đãi họ một bữa nhân dịp sinh được con trai. Song vì công việc bận rộn, chưa thu xếp được nên anh xin khất. Thế mà cứ ngày nào chưa thực hiện lời hứa là hôm đó tới chỗ làm, cấp dưới đua nhau “kích đểu”: “Mang tiếng ’đại gia’, có mỗi bữa tiệc con con mà nợ lâu thế? Chả đáng mặt gì cả!”. Rồi từ đợt ấy, anh bị dán mác: người đàn ông ’rắn’ nhất công ty.
Sếp “dịu dàng” được nhân viên yêu quí
Nghe có vẻ vô lý nhưng đó là sự thật. Không phải sếp nào là kẻ hách dịch, lộng quyền và thích “củ hành” nhân viên. Chị Trân, anh Cường là những trường hợp điển hình. Tuy nhiên, sự “dịu dàng” của họ cũng được đền đáp rất xứng đáng.
Chị Trân bảo: “Nói vui vậy thôi, chứ tính tôi không câu nệ chuyện linh tinh. Tôi biết các nhân viên của mình cũng bận tối mắt tối mũi nên chả bắt ne bắt nét làm gì. Chả lẽ, nó đang tập trung chuyên môn, mình đến lại bắt nó cắt đứt mạch làm việc chỉ để đứng dậy chào mình hay pha nước à? Được cái, chúng nó chăm chỉ, làm việc hết mình. Với cả, các nhân viên ở đây chỉ ’nhờn’ sếp mấy cái chuyện ’râu ria’, vớ vẩn thôi, chứ bước vào công việc thì hoàn toàn nghiêm túc. Nói chung, mình là sếp cần cố gắng tạo ra một không khí làm việc thoải mái, dễ chịu, mọi người coi nhau như anh em trong nhà, có như vậy công việc mới đạt hiệu quả!”.
Ngay cả anh Cường cũng khẳng định, dù không được oai phong như nhiều vị sếp khác, song anh tự hào vì mình đã xây dựng được một đội ngũ nhân viên ưu tú, luôn đạt thành tích cao và được biểu dương ở công ty. Bí quyết của anh là: không làm nhân viên sợ mà phải làm nhân viên nể. Anh Cường chẳng bao giờ nề hà san sẻ nhiệm vụ với các nhân viên. Nhân viên nỗ lực một thì anh nỗ lực gấp đôi. Có như thế họ mới nhìn gương anh mà noi theo. Anh Cường cũng cho hay, chuyện các cấp dưới hay “vỗ mặt” hay “bắn tỉa” anh chẳng qua vì họ quý mến anh nên thích trêu anh thôi, chứ kì thực họ đều rất tôn trọng anh. Bằng chứng là khi đã vào công việc thật sự, họ nghe sếp răm rắp và chẳng bao giờ “bật” anh nửa lời.
Hoàng Nhi
theo zing