Làm việc với Hải một thời gian, nhân viên nào cũng ngao ngán vì bài ca “hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều” của sếp.
Còn khá trẻ nhưng Hải đã là giám đốc một công ty chuyên về công nghệ mấy năm nay, lại cộng thêm cái tài ăn nói khéo léo nên Hải dễ dàng chiếm được cảm tình của mọi người xung quanh. Với những nhân viên cấp dưới, Hải luôn có những lời nói thuyết phục họ rất tốt mà nếu ai mới nghe lần đầu, chắc chắn không thể tránh khỏi sự thán phục.
Từ việc “săn” đầu người ở những công ty khác, kéo về làm cho mình, đến chuyện thương lượng hợp đồng, mức lương, mức độ công việc, dù có nhân sự lo nhưng bao giờ, Hải cũng là người thuyết phục tốt nhất. Chẳng biết đó có phải là một nghệ thuật của người làm lãnh đạo hay không nhưng dần dần, mọi người đều phát hiện ra, Hải chỉ giỏi hứa, từ chuyện lương thưởng đến cân nhắc vị trí công tác, Hải đều có kiểu hứa để nhân viên yên tâm. Cái biệt danh “con ma nhà họ Hứa” ra đời từ đó.

Làm việc với Hải một thời gian, nhân viên nào cũng ngao ngán vì bài ca “hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều” của sếp. (Ảnh minh họa)
Hồi Thanh mới về công ty, gặp và trò chuyện với Hải, Thanh rất hân hoan vì cảm thấy công ty có tiềm lực và rất có khả năng phát triển. Ví trí marketing như của Thanh đóng vai trò quan trọng với lời hứa của Hải: “Chú cứ làm hết thời gian thử việc, sẽ cân nhắc lên vị trí trưởng phòng” và đương nhiên, lên chức là sẽ lên lương.
Cũng chẳng phải nghĩ nhiều, vì lúc đó, cái chân trưởng phòng mar đang thiếu. Thế nhưng, 2 tháng sau khi thử việc, chẳng thấy nhân sự đả động gì ngoài cái hợp đồng chính thức với mức lương “vũ như cẩn” thì Thanh cũng lấy làm lạ. Vốn là chỗ quen biết từ trước, Thanh gặp thẳng Hải nói chuyện. Cái lý mà Hải đưa ra lúc này là “thời điểm chú mới vào khác, bây giờ khác. Phòng mar vẫn có thể hoạt động theo hướng cũ, chưa cần đến trưởng phòng. Một thời gian nữa, khi các dự án bắt đầu chạy, tôi sẽ xem xét. Cậu cứ yên tâm, chẳng đi đâu mà thiệt cả, vị trí đó khi cần đến thì cậu sẽ là ứng viên sáng giá nhất”.
Bây giờ Thanh mới thấy, cái biệt danh “con ma nhà họ Hứa” dành cho Hải quả không oan (Ảnh minh họa)
Khi các dự án khởi động, cùng với nó là các chiến lược marketing rầm rộ khiến phòng mar bận rộn suốt ngày và cần có “đầu tầu” gương mẫu, Hải lại đẩy nhân sự ra thương lượng với Thanh. Rằng công ty đang ở thời điểm khó khăn, cần có sự cống hiến của mọi người. Thanh sẽ đảm nhận vai trò trưởng phòng nhưng vẫn giữ nguyên lương, đợi 6 tháng sau sẽ xem xét lại. Biết là có hỏi thì Hải cũng lấy lý do như thế nên Thanh đành đợi thêm 6 tháng xem sếp sẽ xử sự ra sao. Nhưng rồi, thời hạn đó kết thúc cùng với những kế hoạch marketing quan trọng do Thanh làm leader đã khởi động ngon lành, vẫn không thấy nhân sự hay Hải đả động gì đến chuyện xét lại lương. Mỗi khi Thanh hỏi, Hải chỉ ậm ừ qua loa rồi lấy lý do bận rộn ra làm bia đỡ. Bây giờ Thanh mới thấy, cái biệt danh “con ma nhà họ Hứa” dành cho Hải quả không oan.
Chẳng có cái mác giám đốc như Hải, nhưng Huế cũng là leader của một nhóm PR xấp xỉ chục người. Từ hồi làm trưởng nhóm, Huế đâm ra có cái tật “hứa suông”. Đầy hôm, hẹn cả phòng họp, ai cũng có mặt đông đủ rồi mà chẳng thấy Huế đâu. Gọi điện, nghe giọng Huế rối rít “chịu khó đợi chị tý, chị đang sắp đến rồi, 5 phút thôi”. 5 phút, rồi 10 phút, vẫn chẳng thấy Huế đâu. Gọi điện lại lần nữa, vẫn là 5 phút, “chị đang tắc đường”. Mặc cả lũ ngồi đợi cả tiếng đồng hồ, Huế mới gọi điện lại bảo cuộc họp chuyển vào buổi chiều.
Từ chuyện bé đến chuyện lớn, cứ hễ mở miệng ra là Huế lại chêm thêm câu cửa miệng “chị hứa đấy”. Thế nhưng chả bao giờ cái sự hứa của cô thành hiện thực, thậm chí nói đấy rồi lại quên ngay, như chưa bao giờ thốt ra lời đó (Ảnh minh họa)
Từ chuyện bé đến chuyện lớn, cứ hễ mở miệng ra là Huế lại chêm thêm câu cửa miệng “chị hứa đấy”. Thế nhưng chả bao giờ cái sự hứa của cô thành hiện thực, thậm chí nói đấy rồi lại quên ngay, như chưa bao giờ thốt ra lời đó. Từ việc xem xét kế hoạch PR, ký duyệt mức chi phí cho cả năm… chẳng bao giờ Huế làm đúng deadline.
Kể cả việc hẹn đi ăn uống cùng mọi người, hết lần này đến lần khác, Huế đều sai hẹn. Không cancel hẳn thì cũng là đến muộn, để mọi người đợi dài cổ. Cậy là chỗ quen thân với sếp là một nhưng cái sự hứa vô tội vạ của Huế còn là kết quả của cái chức team leader, vì theo Huế “muốn làm sếp được thì phải biết đánh vào tâm lý nhân viên. Chả mất gì câu nói, cứ hứa cho người ta yên tâm đã rồi tính sau”. Cứ như thế, Huế tự cho mình cái quyền nói lời… hứa, còn việc thực hiện hay không là còn tùy “thời tiết”. Một vài lần, mọi người đều nhận ra cái tính kỳ lạ ấy của sếp, chẳng ai dám chắc rằng, sếp tung ra dự án này rồi có theo đến cùng hay là để “đứt gánh giữa đường”, cũng chẳng nhân viên nào thấy yên tâm vì những lời hứa cho có của sếp nữa.
Chị em trong phòng bắt đầu mất niềm tin vào lời sếp nói và mỗi người đều có sự phản ứng theo những cách riêng. Thế nhưng, khổ nhất là mỗi lần bố trí họp phòng, phân chia công việc, Huế cũng phải mất thời gian cả tiếng đồng hồ để mọi người có mặt đông đủ. Mỗi lần muốn gọi ai, Huế cũng phải nghe lại những câu “khất” chính mình vẫn hay dùng: “đợi em 5 phút nhé”.
Vẫn biết, người làm sếp luôn bận bịu với trăm công nghìn việc, nhiều khi không thể tránh khỏi những câu nói kiểu “cho yên lòng người”. Nhưng không phải cái gì cũng có thể hứa, cũng nói cho xong chuyện được, bởi lẽ nếu không cẩn thận, chính những chiêu đó sẽ được chính nhân viên của bạn áp dụng, lúc đó lại thành ra “gậy ông đập lưng ông”.
Hải Như
theo zing