“Họ đã sống như thế” – chuyện bây giờ mới kể
Ở tuổi 42, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã đoạt trên dưới 50 giải thưởng trong nước và quốc tế. Nhưng Nguyễn Á nói: “Có lúc 50, 60 giải thưởng không còn nghĩa lý gì nữa. Một bộ ảnh mình đặt hết tâm trí, được mọi người ghi nhận mới thật sự hạnh phúc”.
Nghị lực của Nguyễn Công Hùng – hiệp sĩ công nghệ thông tin. |
Nguyễn Á bắt đầu chơi ảnh nghệ thuật với ảnh đơn. Nhưng với loại ảnh này, anh chưa thấy thật sự thỏa mãn với những gì đã thể hiện. Nguyễn Á bắt đầu với ý tưởng ảnh bộ và đạt được những thành công bước đầu với bộ Họ đã sống như thế.
Để hoàn thành bộ ảnh, Nguyễn Á đã phải chọn lọc rất kỹ các nhân vật suốt hai năm 2008 – 2009: “Có rất nhiều người tàn tật ở mọi miền đất nước, nên để có 90 nhân vật trong bộ ảnh, tôi phải chọn lọc hết sức khó khăn. Mỗi người là một số phận rất riêng, nghề nghiệp đa dạng. Cái chung duy nhất ở những con người này chính là nghị lực sống phi thường”.
Làm việc với những con người vốn nhạy cảm với những thiệt thòi, kém may mắn của bản thân, nhiếp ảnh gia cho biết: “Cái khó lớn nhất chính là thuyết phục họ tin tưởng mình, chia sẻ để mình hiểu họ mà thể hiện góc ảnh tốt nhất. Hòa nhập cuộc sống đối với họ đã khó, để chia sẻ những điều kém may mắn của họ với người khác lại càng khó hơn. Họ thà chịu đựng để sống hơn là nhu cầu chia sẻ”.
Thuyết phục đôi khi không thành, anh phải nhờ đến các tổ chức tại địa phương đến giải thích cho họ hiểu. “Ai kém may mắn cũng mang những mặc cảm của riêng mình, nhất là người khiếm thị, khi tôi nói chụp ảnh về họ, ít khi họ đồng ý ngay vì không nhìn thấy được hình chụp tròn méo, tốt xấu thế nào. Gian nan lắm nhưng khi họ đã đồng ý, mình lại có thêm một người bạn thật sự trong đời”, Nguyễn Á tâm sự.
Những nhân vật khác thường nhưng chứa đầy sự phi thường trong ảnh Nguyễn Á. |
Khi hiểu lại tin, tin rồi thương, anh trở thành bạn tri kỷ của những “người mẫu” đặc biệt này. Để làm được như vậy, anh phải khéo léo trong các tình huống vì họ không cần tiền, không cần lòng thương trong khoảnh khắc thoáng qua, mà họ cần được chăm sóc, sống thật với họ.
Rong ruổi miệt mài từ Nam ra Bắc, vòng đi, đảo lại 4, 5 lượt với mỗi nhân vật, Nguyễn Á mới hoàn thành bộ ảnh đặc biệt này. Đêm lên xe đi để sáng kịp đến nơi cần đến với những người bạn mình sắp chụp ảnh, cứ thế nhiều khi “nước mắt rớt theo trên đường vì vừa rời khỏi một mảnh đời kém may mắn”.
20 năm theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh, nhưng đến bộ ảnh này anh mới thấm: “Tâm mình thế nào mình làm thế ấy, bất di bất dịch. Tác phẩm chính là cái tâm mình nhìn thấy và thể hiện nó”.
Viết nghị lực bằng ảnh
Không chỉ mang bộ ảnh của mình đi nhiều nơi, Nguyễn Á còn tự bỏ tiền túi để mua vé máy bay, tàu xe cho các nhân vật của mình đến các buổi triển lãm để giao lưu với người xem. “Những buổi giao lưu như thế xóa đi khoảng cách của người khuyết tật với người bình thường. Những nhân vật của tôi thấy được sự đồng cảm, sẻ chia và tự tin với những gì họ làm được”.
Nhiếp ảnh gia phải kiên nhẫn để tiếp cận và chụp ảnh những thân phận đặc biệt. |
Nguyễn Á tâm sự, cô bé bị ung thư xương Lê Thanh Thúy là người anh nhớ nhất và chụp nhiều ảnh nhất. Khi phải đối mặt với cái chết, với những cơn đau nhức của xương và thuốc xạ trị, Thúy chưa bao giờ rơi một giọt nước mắt. Có chăng, Thúy khóc cho sự yêu thương và hạnh phúc vì đã không uổng phí nửa năm cuối đời vẫn kịp gây dựng quỹ Ước mơ của Thúy. Nguyễn Á nói anh sẽ không bao giờ có thể quên cô bé có nghị lực lạ lùng đó. Cái cảm giác của người biết mình sắp chết thật khủng khiếp nhưng cô bé đã không phí một phút nào.
Nói 90 gương mặt nhưng con số này còn nhiều hơn thế. Bởi những người thân có hoàn cảnh tương tự xung quanh cuộc sống của những nhân vật này. Như anh Nguyễn Văn Út và chị Phạm Thị Thủy, đều bị sốt bại liệt từ nhỏ. Họ gặp nhau tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM. Anh – tay thợ làm tranh ghép gỗ giỏi của trung tâm và chị – kế toán, yêu và trở thành vợ chồng. Anh Út chia sẻ: “Do duyên số ông trời sắp đặt, chúng tôi yêu nhau trong tình cảnh của những người cùng cảnh ngộ, cả hai đều có nghề nghiệp, hy vọng đời sống sau này sẽ không phải khổ”.
Nhân vật trong ảnh được người chụp đài thọ đến xem ảnh về chính mình. |
Trong 90 gương mặt, có người là họa sĩ phải đeo cọ vào tay để vẽ, có người dùng chân như tay, có người chỉ có thể xếp những con hạc và ăn uống sinh hoạt duy nhất với tư thế nằm, có người là vận động viên xuất sắc trên những đường đua dành cho người khuyết tật,… Họ có chung một ý chí sống mạnh mẽ và không ngừng vươn lên trước thử thách của số phận.
Từ triển lãm lần đầu tiên vào tháng 11/2009 tại TP.HCM, bộ ảnh đã ra đến Hà Nội rồi về lại vòng quanh 15 trường học tại TP.HCM. Dự kiến, bộ ảnh sẽ lại đi tiếp đến 20 trường học khác nữa. 3 trong hơn 90 gương mặt có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong bộ ảnh đã được các “Mạnh thường quân” giúp đỡ. Bước đầu vậy cũng đã tạm như mong muốn của người chụp ảnh rằng “tôi muốn dùng nghề ảnh của mình để làm điều gì đó cho xã hội, cho những mảnh đời kém may mắn hơn mình”.
Theo VNN