Bỏ học đi làm… ô sin
Wednesday, March 31, 2010 14:12
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Càng thiếu ăn, càng đẻ nhiều
Xóm 10, xã Hương Thọ quần tụ trên dãy đồi hình bát úp phía hữu ngạn sông Ngàn Trươi. 1/4 số hộ gia đình ở đây vẫn phải sống trong những ngôi nhà tranh vách đất. Xóm có 23ha đất màu và ruộng bậc thang phân bố rải rác quanh khe lò Vôi, khe Vàng, đập Tắt… Sau trận lũ quét dạo trước, hiện nay mỗi năm đất này chỉ làm một vụ, năng suất lúa cũng chỉ đạt 1tạ/1 sào. Những năm về trước, gần 500 con người ở xóm 10 dựa vào rừng để sống: Khoai, sắn trồng cạnh bìa rừng để ăn, cỏ cho trâu bò; gỗ lạt đều lấy từ khe Đẻn, Lèo Heo của núi Truông Dài… “Còn bây giờ thì bó tay chú ạ! Đất rừng thuộc về Công ty Cao su Hương Khê. Lợi mô thì nỏ biết, nhưng trước mắt trâu bò không có nơi chăn dắt, dân làng như bị trói tay, trói chân, một phần nguồn sống bị tiệt đường!” – ông Mân, Trưởng xóm buồn rầu nói. Vội vàng lục trong túi áo một tờ giấy gấp tư ông Mân kể tiếp: “Đây, sáng nay tui mới nhận Công văn của Công ty Cao su Hương Khê về việc đình chỉ sẻ phát, lấn chiếm rừng trồng keo, khai thác gỗ thông, nhựa thông trái phép và giao cho xóm nội trong 5 ngày phải chấm dứt tình trạng trên khiến chúng tôi vô cùng lo lắng”.
Mặc dù thiếu ăn như vậy nhưng xóm 10 lại nổi danh về chuyện đẻ nhiều. Gần 1/5 số gia đình có từ 6 đến 8 con. Hiện tại trong xóm có 35 cháu từ 1 đến 5 tuổi; 43 cháu từ 6 đến 10 tuổi. Như vợ chồng anh Nguyễn Văn Đình có 7 con, lũ trẻ chỉ sinh cách nhau 2 năm, thậm chí là 1 năm. Khi cô con gái đầu của anh Đình là Nguyễn Thị Lan (24 tuổi) đã có hai con trai thì bà ngoại mới sinh cậu thứ 7.
Tương lai mờ mịt
Do đất chật, người đông, không có việc làm nên nhiều người ở xóm 10 rủ nhau đi làm ô sin. Điều đáng nói là trong số những người đi làm ô sin chỉ có chị Phan Thị N (SN 1968) là người nhiều tuổi nhất, đang vào giúp việc tại TP HCM, tuổi đời những người còn lại chỉ từ 13 đến 25. Hầu hết các cháu đi làm ô sin đều bỏ học giữa chừng. Có cháu chỉ học đến lớp 3. Năm học 2009- 2010, xóm có 12 em phải bỏ học giữa chừng. “Cấp nào cũng có, lớp 3, lớp 5, lớp 7 có cả. Trong năm ni (nay) xóm có hơn 10 em đang học THPT (số lượng học sinh học THPT đông nhất từ trước đến nay), nhưng em Phan Văn T (học sinh lớp 11) đã bỏ học nửa chừng để đi sang Thái Lan làm ô sin”- ông Mân tiếc rẻ.
Xóm 10, xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Tĩnh. Xóm có 104 hộ, 459 nhân khẩu, trong đó có 41 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ gần 40%); 37 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 35,5%). Thu nhập bình quân đầu người từ 180.000 đồng – 200.000đồng/người/tháng. |
Cũng theo ông Mân, hiện tại nhân dân trong xóm còn nợ ngân hàng 2,7 tỷ để đầu tư vào sản xuất, nhưng khả năng hoàn lại vốn cho ngân hàng là hết sức khó khăn.
Chúng tôi đã gặp một số cháu bé đang giúp việc cho các gia đình ở thị trấn Vũ Quang. “Công việc chúng cháu hàng ngày là trông em (bế, cho ăn, vệ sinh), quét nhà, giặt giũ và những việc khác trong nhà. Nhà chủ cho ăn mỗi ngày 2 bữa và mỗi tháng trả cho 600.000 đồng” – một em (đề nghị giấu tên) cho biết. “Trước mắt tạm ổn, nhưng không có chi đảm bảo lâu dài. Lúc chủ không cần là mất việc. Rồi ốm đau tật bệnh…”. Một cháu khác trong nhóm giúp việc (tại khu liên cơ thị trấn Vũ Quang) ngân ngấn nước mắt nói – bọn cháu chỉ mong được làm việc ở Công ty Cao su Hương Khê để được gần gia đình thôi”.
Để ổn định cuộc sống lâu dài cho nhân dân, để giúp đỡ các cháu có việc làm khi nguồn sống dựa vào rừng không còn nữa, thiết nghĩ chính quyền địa phương nên có chiến lược đào tạo ngành nghề lâu dài và thu hút lao động. Trước mắt, Công ty Cao su Hương Khê nên có ưu tiên tuyển chọn nguồn nhân lực lao động từ con em nhân dân lao động ở nơi đây để cuộc sống người dân bớt khổ.
Lê Văn Vỵ- Quốc Châu
(theo giadinh)