Một bộ phận học sinh, sinh viên nữ đang khiến người lớn giật mình với kiểu nói tục, chửi thề không chút ngượng nghịu, e dè. Vậy những người trẻ nghĩ gì về hiện tượng này?

Hãy nói không với ngôn ngữ thô tục.
Hoàng Minh Thông (141 Phạm Phú Thứ, P.11, Q.Tân Bình, TP.HCM): Không thể chấp nhận phụ nữ chửi thề.
Trước đây, người ta thường đánh giá văn hóa, trình độ học vấn, địa vị của người khác qua lời nói, cách sử dụng ngôn ngữ. Cuộc sống hiện nay có nhiều thay đổi, cách sử dụng ngôn từ có thể thoáng hơn, dễ dãi hơn, nhưng theo tôi cách đánh giá đó vẫn còn giá trị. Những lời tục tĩu thường chỉ là ngôn ngữ của giới giang hồ, những người có trình độ văn hóa thấp. Tiếc là với nhiều bạn nữ sinh hiện nay việc nói tục, chửi thề lại được xem là thói quen bình thường chẳng có gì mà ầm ĩ. Là con gái, nhưng các bạn chẳng chút ngượng miệng khi thốt ra những lời mà người xung quanh, kể cả con trai chúng tôi cũng cảm thấy ngượng khi nghe.
Có những bạn rất nghiêm túc trước mặt người lớn hay người lạ, nhưng lại văng tục “ngọt ngào” khi đùa giỡn với bạn bè, xem đó là kiểu nói chuyện thân mật. Dù ở hoàn cảnh nào, tình huống nào thì những lời nói không đẹp thốt ra từ phái đẹp cũng sẽ khiến người xung quanh có những suy nghĩ không hay về bạn. Cuộc sống có thể thay đổi, những giá trị văn hóa cũng có thể thay đổi nhưng theo tôi, khó có thể chấp nhận được hiện tượng chửi thề, đặc biệt là ở các bạn học sinh, sinh viên, những trí thức trẻ.
Lâm Thanh Hà (SV Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM): Đừng làm mất duyên con gái.
Một trong những nét duyên của phái nữ là duyên ăn nói. Mà đã gọi là duyên thì không thể nói tục, chửi thề. Không thể phủ nhận hiện tượng nữ sinh ngày nay quá dễ dãi trong cách sử dụng ngôn từ. Ngay cả những nữ sinh viên học khá giỏi, chuyện chửi thề, văng tục cũng không phải là cá biệt. Nhịp sống hiện đại rất nhanh và căng thẳng. Áp lực của cuộc sống, của chuyện học hành, thi cử… đôi khi khiến người ta không kiềm chế được cảm xúc, dẫn đến thiếu kiểm soát trong lời nói. Không thể ngang nhiên chửi thề rồi sau đó biện minh: “Lúc ấy tôi giận quá mất khôn”. Nếu là người có ý thức, bạn sẽ biết mình đã để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp cho người xung quanh và phải học cách kiềm chế, kiểm soát ngôn ngữ của mình. Chuyện dùng lời lẽ thô tục khi nói đùa lại càng không thể chấp nhận, bởi nói nhiều sẽ thành quen miệng, đến một lúc nào đó bạn sẽ không còn kiểm soát được. Nhưng người lớn trách người trẻ ngày nay nói tục, chửi thề mà không xem lại, vì có thể người trẻ đã nhiễm thói quen chửi thề từ người lớn.
Huỳnh Bảo Châu (nhân viên phòng kinh doanh Ngân hàng Eximbank): Chẳng hay ho gì.
Thỉnh thoảng tôi cũng…buột miệng chửi thề. Đó là những lúc quá bực bội trước một chuyện gì đó không thể kiềm chế được. Ví dụ, khi tôi đi đúng đường, đúng luật, mà lại bị một người khác đi ngược chiều, đụng vào tôi, lại còn chửi tôi chẳng hạn. Nhưng may là tôi không bao giờ chửi tục tĩu. Tôi cũng biết chửi thề là không hay nên vẫn cố gắng kiềm chế tối đa. Môi trường quanh tôi đều là các trí thức trẻ nên cũng hiếm khi nghe các bạn chửi thề. Chỉ những khi đi chợ, hoặc đi ngoài đường mới thường nghe chửi thề. Tôi không cho rằng chửi thề là cái gì đó quá xấu xa, hay người chửi thề là người đáng kinh tởm, nhưng tôi cũng không thích giao thiệp với người hay chửi thề. Không ngụy biện nhưng tôi nghĩ đôi lúc, trong vài tình huống cụ thể, chửi thề (hoặc chửi) cũng là một cách xả stress hiệu quả. Nhưng dù sao chửi thề cũng chẳng hay ho gì. Tốt nhất là đừng chửi.
Vân Hạnh/ Phụ nữ