Theo Đông y hà thủ ô vị đắng ngọt chát, tính hơi ôn; vào các kinh can và thận. Có tác dụng bổ can thận, dưỡng huyết, bổ âm, giải độc, nhuận tràng thông tiện. Dùng cho các trường hợp can thận âm hư, huyết hư, đau đầu hoa mắt chóng mặt, đau lưng mỏi gối ù tai điếc tai, râu tóc bạc sớm, di tinh, huyết trắng, táo bón, hội chứng lỵ mạn tính, trĩ xuất huyết, sốt rét, lao hạch, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, tăng mỡ huyết, xơ vữa động mạch.
Dạ giao đằng: Vị ngọt, tính bình; vào các kinh tâm, can và thận. Có tác dụng dưỡng tâm, an thần, dưỡng huyết, hoạt lạc. Dùng trị chứng thần kinh suy nhược, thiếu máu, đau mỏi toàn thân.
Liều dùng: Hà thủ ô 12g đến 60g. Bổ huyết thì dùng hà thủ ô chế; nhuận tràng thông tiện thì dùng hà thủ ô sống. Dạ giao đằng: 12g đến 30g.
Kiêng kỵ: Những người tỳ hư, đại tiện lỏng không được dùng.
Hà thủ ô được dùng trong các trường hợp sau:
Bổ huyết, an thần: Trong trường hợp huyết hư, lo lắng, mất ngủ, âm hư, huyết khô, râu tóc bạc sớm.
Hà thủ ô chế 12g, bắc sa sâm 12g, quy bản 12g, long cốt 12g, bạch thược 12g. Sắc uống.
Dạ giao đằng 12g, đan sâm 12g, trân châu mẫu 60g. Sắc uống. Ngày uống 1 thang. Trị chứng buồn bực, mất ngủ, mộng mị.
Ích thận, cố tinh: Trường hợp gan thận đều yếu, lưng và đầu gối đau nhức buốt, phụ nữ khí hư, di tinh. Dùng “Thất bảo mỹ nhiệm đơn”: Hà thủ ô 20g, bạch linh 12g, ngưu tất 12g, đương quy 12g, thỏ ty tử 12g, phá cố chỉ 12g. Tán thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày 2 lần, mỗi lần uống 12g, chiêu bằng nước muối loãng.
Dưỡng can, định huy: Trường hợp thiếu máu, huyết áp cao, đầu váng, mắt hoa, chân tay tê cứng.
Thủ ô hợp tễ: Hà thủ ô chế 12g, sinh địa12g, huyền sâm 12g, bạch thược 12g, hạn liên thảo 12g, sa uyển tật lê 12g, hy thiêm thảo 12g, tang ký sinh 12g, ngưu tất 12g. Sắc uống.
Ích âm, triệt ngược: Trường hợp sốt rét lâu ngày hại đến chân âm, sốt li bì triền miên.
Bài Hà thủ ô sống 60g, sài hồ 12g, đậu đen 20g. Sắc với nước, đem phơi sương 1 đêm, sáng hôm sau hâm lại mà uống.
Hà nhân ẩm: Hà thủ ô chế 16g, đảng sâm 12g, đương quy 12g, trần bì 12g, gừng lùi 12g. Sắc uống.
Nhuận trường, thông tiện:
Hà thủ ô tươi 30g – 60g. Sắc uống. Trị các chứng huyết hư, tân dịch khô nên đại tiện bí.
Hà thủ ô hầm chữa suy nhược cơ thể.
|
Một số món ăn – bài thuốc
Trà sinh địa thủ ô: Hà thủ ô 16g, thục địa 30g. Hà thủ ô chế, thục địa tẩm rượu, thái lát mỏng, cho nước sôi hãm uống thay trà. Dùng cho các trường hợp cơ thể suy nhược già yếu, râu tóc bạc sớm trước tuổi, bệnh mạch vành, mỡ huyết cao.
Cháo kê hà thủ ô: Kê 50g, hà thủ ô 30g, trứng gà 2 quả. Kê nấu với hà thủ ô thành cháo, khi cháo được gắp bỏ các lát bã thuốc, đập trứng vào, thêm chút đường trắng khuấy đều, đun sôi lại. Cho ăn khi đói. Dùng cho các trường hợp thoát vị, sa tử cung, sa dạ dày trực tràng.
Chè đậu đen hà thủ ô: Hà thủ ô 60g, đậu đen 100g. Cả hai thứ cùng nấu với lượng nước thích hợp đến khi đậu đen chín nhừ, vớt bỏ bã hà thủ ô, chia 2 – 3 lần ăn trong ngày. Có thể thêm chút đường hoặc muối. Dùng cho các trường hợp thiểu năng mạch vành, cơn đau thắt ngực, các trường hợp râu tóc bạc sớm, táo bón kinh diễn.
Hà thủ ô hầm gà: Gà mái tơ 1con, hà thủ ô 30g. Gà làm sạch bỏ ruột, hà thủ ô gói trong vải xô, đặt trong bụng gà, hầm cách thuỷ, lấy ra bỏ bã thuốc, thêm gia vị. Dùng cho các trường hợp râu tóc bạc sớm, đau đầu hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, suy nhược cơ thể.
TS. Nguyễn Đức Quang
(theo suckhoedoisong)