Vợ vứt đồ bừa bãi, anh Đạt nhắc nhưng lại được nghe lý sự: “Sao anh không nhặt? Em còn bao việc”. Chán vì suốt 3 năm trời, lần nào cũng theo sau dọn dẹp cho vợ nên lần này, anh Đạt không muốn thế nữa.
Đàn ông cũng có nhu cầu giải tỏa, nảy sinh so đo, nhất là khi phải làm nhiều việc nhà hơn vợ… (Ảnh minh hoạ)
Anh Đạt (Mỹ Đình, Hà Nội) được đánh giá là chồng hiền, biết thương vợ, chăm con. Thế mà không ít khi, anh có suy nghĩ muốn bỏ vợ. Ngay từ đầu, anh Đạt đã biết vợ mình không ngăn nắp, làm đâu bỏ đó. Nhà tắm khai, bẩn, chờ chẳng thấy vợ lau chùi nên anh tự mình làm. Mặt bếp ga toàn vết dầu mỡ, anh cũng lúi húi vệ sinh. Ngay cả chuyện khi con “ị đùn”, anh cũng không ngại thay rửa cho con. Hai vợ chồng cùng đi làm, thời gian tan sở cũng không chênh mấy. Nếu về trước, anh tự động chuẩn bị cơm tối, chờ vợ. Ngược lại, vợ anh về trước thì bao giờ cũng phải chờ chồng về, nấu cùng cho vui. Đi đâu là cứ bắt chồng chở đi bằng được, chứ không thích tự lái xe máy. Tuần trước, thấy vợ năn nỉ đèo đi thăm bạn đẻ, anh miễn cưỡng đồng ý dù trong lòng không vui. Anh ngại vì đàn ông, ai lại đi thăm đàn bà đẻ nên bảo đứng ở cổng chờ. Nhưng phải đợi gần 2 tiếng đồng hồ, nháy điện thoại cả chục lần, vợ mới chịu ra về.
Tháng nào cũng đưa lương cho vợ tử tế nhưng anh Đạt toàn phải nghe vợ than nghèo, hết tiền rồi so sánh chồng không tài giỏi bằng người ta. Mệt mỏi, cộng thêm chán vợ, anh quyết không đụng tay vào việc nhà. Đi làm về anh lớn tiếng: “Cô nấu thì tôi ăn, không thì thôi”. Vợ nhờ chở đi đâu là anh vùng vằng: “Không. Cô tự mà đi”. Sau đó, vợ anh khóc lóc, kể lể với họ hàng hai bên là chồng “đổ đốn”. Buồn bực nên có lần, anh “say khướt” với bạn bè nhưng về nhà bị vợ mắng thậm tệ rồi cho nằm ngoài sofa phòng khách. Không ít lần rối trí, anh muốn bỏ vợ bắt đầu cuộc sống mới. Tuy nhiên, anh thương con nên phải nghĩ lại. Anh không tiếc công chăm chút cho gia đình nhưng lại thấy thất vọng vì không tìm được sự hợp tác từ vợ.
Đàn ông cũng ấm ức
Có rất nhiều người chồng đảm đang chuyện nhà cửa, thậm chí, còn tháo vát hơn vợ. Mọi chuyện vẫn suôn sẻ cho đến khi người vợ không hiểu sao chồng mình “đổ đốn”. Đó là lúc, chồng mệt mỏi, cáu gắt hoặc trở nên vô trách nhiệm vì thấy mình đang bị… bóc lột. Thông thường, người vợ không nắm bắt được tâm lý muốn thay đổi ở chồng. Họ luôn nghĩ, chồng hư hỏng nên càng “giáo huấn”, mắng nhiếc thậm tệ. Hậu quả, người chồng càng muốn xa rời gia đình.
Người chồng không thể nói ra những khó chịu trong lòng. Bởi vì, dưới mắt vợ những việc nhà mà chồng đảm đương chẳng thấm tháp gì so với một núi công việc không tên họ phải hoàn thành mỗi ngày. Người chồng cũng không khéo khi tâm tình: “Hôm nay, anh mệt lắm. Em nấu cơm một mình nhé” hoặc “Tối nay, anh đi chơi chút. Ngày mai anh làm bù” nên vợ không hiểu mong muốn của chồng mà đáp ứng. Cũng có thể chồng đã chia sẻ nhưng do đang quen được chồng chiều nên không dễ chấp nhận. Có người vợ còn so bì: “Anh mệt, tôi không mệt chắc” hoặc “Anh đi chơi, tôi thì không thích chơi à?” làm mọi chuyện nặng nề hơn.
Đàn ông cũng có nhu cầu giải tỏa, nảy sinh so đo, nhất là khi phải làm nhiều việc nhà hơn vợ. Khi đã chán, thay vì thỏa thuận với vợ để phân chia công việc hợp lý, nam giới lại tỏ vẻ bất cần. Ngoài ra, xưa nay quan niệm vẫn cho rằng, việc nhà là của phụ nữ. Người chồng chăm chỉ việc nhà cũng sợ bị đánh giá “sợ vợ”. Để cân bằng, không có cách nào khác là vợ chồng cần thảo luận với nhau. Tất nhiên, người vợ vẫn nắm vai trò chính. Khi vợ (chồng) mệt hoặc stress thì người còn lại sẽ gánh phần việc lớn hơn. Cũng cần thu xếp thời gian để vợ (chồng) có thời gian vui chơi, giao lưu bên ngoài.
C.H – Tổng hợp
(theo tuvanonline)