Giới truyền thông Mỹ loan tin, ngày 21/4 tên lửa Atlas sẽ được phóng lên từ bệ phóng tại bang Florida mang theo siêu phi thuyền X37-B loại mới nhất của không quân Mỹ lên quỹ đạo. Những người quan tâm tới công nghệ hàng không vũ trụ và quân sự đặc biệt chú ý tới sự kiện này, những bí mật về siêu phi thuyền X37-B cũng dần hé lộ.
Phi thuyền X37-B sau khi được phóng vào quỹ đạo trái đất sẽ chu du trong vũ trụ với khoảng thời gian “chưa xác định”. Sau khi kết thúc hành trình X37-B sẽ chuyển sang chế độ lái tự động bay trở về trái đất và tiếp đất tại căn cứ không quân nằm trên địa phận bang California.
Những thông tin về phi thuyền này được Lầu Năm Góc giấu kín, ngay cả hãng Boeing trúng thầu dự án này cũng tỏ ra đặc biệt cẩn trọng với báo giới. Mãi tới cuộc hội thảo hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ lần thứ 26, người phát ngôn không lực Hoa Kỳ mới tiết lộ một số thông tin liên quan đến X37-B.
Siêu phi thuyền X37-B của không quân Mỹ sắp được phóng lên quỹ đạo.
Theo đó, điểm đặc biệt nhất của phi thuyền X37-B so với các phi thuyền khác chính là công nghệ lái tự động được thực hiện độc lập đưa nó trở về trái đất sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên không lực Mỹ từ chối tiết lộ thêm bất cứ thông tin cụ thể nào xung quanh công nghệ này.
Các chuyên gia hàng không vũ trụ Mỹ cho hay, nếu kế hoạch diễn biến thuận lợi, X37-B có thể thực hiện chuyến bay dài 270 ngày trong vũ trụ với quỹ đạo bay cách mặt đất từ 203 – 926 km.
Ngoài các thông tin về tính năng kĩ thuật và công nghệ, cho đến thời điểm này giá thành chế tạo phi thuyền X37-B vẫn nằm trong vòng bí mật. Trung tâm điều khiển phi thuyền được thành lập và hoạt động theo mô hình một bộ tư lệnh, toàn bộ quá trình thực nghiệm này nhà sản xuất phải tuân thủ tuyệt đối mọi chỉ huy từ trung tâm điều khiển phi thuyền.
Giới thạo tin cho hay, đội thực nghiệm vũ trụ số 3 (tạm dịch) là một bộ phận quan trọng của Bộ tư lệnh hàng không vũ trụ không quân Mỹ chuyên đảm trách các hoạt động thực nghiệm, kiểm tra, khảo sát thiết bị hàng không vũ trụ.
Hiện tại tất cả các chuyên gia đầu ngành hàng không vũ trụ của Mỹ đều được triệu tập về trung tâm điều khiển phi thuyền trực thuộc đội thực nghiệm vũ trụ số 3 để thực thi nhiệm vụ đặc biệt này.
Đối với lần thử nghiệm siêu phi thuyền X37-B, rất nhiều quốc gia đang quan tâm và theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là Nga và Trung Quốc.
Nếu thực nghiệm thành công, Washington sẽ khiến các nước khác hiểu ra trong cuộc chạy đua về công nghệ hàng không vũ trụ, người Mỹ vẫn đang chiếm thế thượng phong, vị trí của họ không dễ bị kẻ khác chiếm mất.
Theo KH & ĐS / khoahoc