Những kỷ niệm thời thơ ấu của Hoàng Văn ở Phan Thiết luôn có bóng dáng những ngọn núi ấy và chúng đi vào tác phẩm của anh thật tự nhiên.
Trước nhà (tranh trên giấy)
Từ ngày 22-5 đến 30-6, tại gallery Kiang ở Atlanta sẽ diễn ra triển lãm cá nhân thứ năm của nhà điêu khắc nổi tiếng Bùi Hoàng Văn. Tác phẩm của nghệ sĩ gốc Việt 43 tuổi này đã có mặt trong hơn 50 cuộc triển lãm, kể từ khi anh còn là sinh viên chuyên ngành mỹ thuật.
Vẽ thay cho nói
35 năm trước, trong dông bão chiến tranh, Bùi Hoàng Văn – khi đó là một chú bé lên 7 – đã cùng gia đình di tản khỏi Việt Nam. Họ định cư tại thành phố Tampa của bang Georgia. Chính ở đây, chú bé Văn bộc lộ thiên hướng nghệ thuật của mình. Trong lớp học, do chưa đủ vốn liếng tiếng Anh để giao tiếp, Văn thường vẽ những hình ảnh để trình bày điều mình muốn nói với thầy giáo. Cứ thế, cậu bé vẽ và vẽ liên tục. Không ngờ đó là những dấu hiệu đầu tiên của một tài năng nghệ thuật tương lai.
Năm 1986, ở tuổi 19, Bùi Hoàng Văn theo học khoa mỹ thuật tại Đại học Tampa, bốn năm sau anh tốt nghiệp cử nhân với hạng danh dự. Năm 1992, anh nhận được học bổng cao học của Đại học bang Georgia và tốt nghiệp thạc sĩ năm 1995 với thứ hạng cao nhất. Trong thời gian học thạc sĩ, Văn ở trong số những nghiên cứu sinh đầu tiên được đặc cách giảng dạy độc lập về điêu khắc tại trường, đồng thời nhận vinh dự chưa từng có là được phép làm luận văn tốt nghiệp ở bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ.
Năm 1993, anh được chọn làm người phát ngôn của một chương trình cấp quốc gia nhằm bảo tồn các tác phẩm điêu khắc ngoài trời. Năm 1996, Thế vận hội được tổ chức tại Atlanta, thủ phủ bang Georgia, đúng vào kỷ niệm 100 năm phong trào Olympic quốc tế. Dịp này Bùi Hoàng Văn là một trong tám nghệ sĩ đương đại được trưng bày tác phẩm tại triển lãm quốc tế “Ngoài ranh giới” tổ chức ở Atlanta.
Đầu năm 1990, Hoàng Văn được Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức mời thực hiện một tác phẩm sắp đặt cố định tại Nhà văn hóa Thế giới ở thủ đô Berlin. Năm 2006, tác phẩm điêu khắc bằng đồng và thép không gỉ có tên Điệu múa cộng đồng của Hoàng Văn, thực hiện theo đơn đặt hàng của Cơ quan hàng không thành phố Atlanta, đã được trưng bày vĩnh viễn tại phi trường quốc tế Hartsfield ở Atlanta.
Đó mới chỉ là một phần nhỏ những hoạt động sáng tác của nhà điêu khắc Bùi Hoàng Văn. Anh đã tham dự trên 50 cuộc triển lãm và nhận được hơn 20 giải thưởng quốc tế từ các tác phẩm của mình. Tranh in, tượng và sắp đặt của Hoàng Văn được trưng bày tại những bảo tàng và các địa chỉ mỹ thuật lừng lẫy ở Mỹ, châu Âu như Bảo tàng và vườn tượng Hirshhorn ở Washington D.C, Bảo tàng Nghệ thuật đương đại San Diego, Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Rome (Ý), Bảo tàng Tate Modern ở London (Anh), Bảo tàng mỹ thuật Rubin ở New York, Trường Nghệ thuật tạo hình ở New York, Trung tâm Cartier ở Paris (Pháp), Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Zagreb (Croatia)…; được giới thiệu và bình luận trên các nhật báo lớn như Los Angeles Times, Washington Post cùng các tạp chí chuyên ngành mỹ thuật có uy tín nhất.
Điệu múa cộng đồng – tác phẩm được trưng bày vĩnh viễn
tại phi trường quốc tế Hartsfield ở Atlanta
Không quên cội nguồn
Bên cạnh công việc sáng tác, từ hơn mười năm nay Bùi Hoàng Văn còn chia sẻ tình yêu nghệ thuật với sinh viên Đại học Tampa. Dù đạt được những thành công quan trọng trong lĩnh vực sáng tác, song giáo sư mỹ thuật Bùi Hoàng Văn cho rằng “trở thành nhà giáo là thành tựu lớn nhất của đời tôi”. Trong các lớp học điêu khắc và tranh in của khoa mỹ thuật Đại học Tampa, sinh viên yêu thích vị giáo sư trẻ năng nổ, nhiệt tình và luôn hào phóng với họ cả về thời gian cũng như sức lực của mình. Trong một kỳ đánh giá về các giáo sư của trường, sinh viên đã xếp thầy Văn trong số những nhà giáo xuất sắc nhất. “Thầy luôn khuyến khích, giúp đỡ và mong muốn bạn học tập tốt, thật sự mong muốn bạn thành công” – sinh viên năm đầu Erica Riddle nói về thầy mình như thế.
Cuộc sống bận rộn và thành công trên đất Mỹ không làm Bùi Hoàng Văn quên quá khứ ở một làng quê nghèo. “Tôi không thể không nghĩ về quê nhà Việt Nam, không thể không nhớ về những đứa trẻ ở làng mình ngày xưa”. Để rồi anh đã trở về Việt Nam, tìm lại những gì đã bị quên lãng bao nhiêu năm trời, Sau 20 năm xa quê hương.
Bùi Hoàng Văn được đón tiếp với tư cách một nghệ sĩ và chính tại quê nhà, anh tìm thấy nguồn cảm hứng sáng tác – đó chính là hàn gắn vết thương do chiến tranh gây ra. Anh đã trải qua những mùa hè ở các làng quê nhỏ bé để giúp đỡ và dạy trẻ em mồ côi: “Tôi muốn làm gì đó cho những đứa bé ấy. Các em biết tôi sẽ luôn có mặt ở đây với chúng”.
Thật đáng ngạc nhiên khi Hoàng Văn cho rằng nghệ thuật chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc sống của anh, cả những thành công trong nghệ thuật cũng vậy: “Thành công chẳng đáng kể gì. Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để bạn có thể giúp đỡ, hỗ trợ những nơi bạn đến”.
Năm 1998, Bùi Hoàng Văn được mời tham dự trại sáng tác điêu khắc quốc tế Ấn tượng Huế – Việt Nam, tổ chức tại công viên Lý Tự Trọng ven sông Hương trong sáu tuần với sự có mặt của 30 nhà điêu khắc đến từ 14 nước. Anh đã thực hiện bức tượng Nón và gió bằng chất liệu đồng, đá, gạch (kích thước 240x220cm – ảnh 1), tiếc rằng tác phẩm này nay không còn được nguyên vẹn do bàn tay phá hoại của những kẻ thiếu ý thức (ảnh 2).
(theo tuoitre)