Từ giấy vụn, nylon, mút xốp, xơ dừa…, nhiều nghệ nhân ở ĐBSCL đã làm ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và góp phần bảo vệ môi trường.
Một bức tranh xé dán ( Ảnh minh họa )
Nói đến tranh xé dán ở ĐBSCL, ai cũng biết đến họa sĩ Lâm Chiêu Đồng (Vĩnh Long). Khắp nhà của ông treo đầy tranh làm từ những tờ lịch cũ, sách báo. Giấy cuộn vệ sinh qua bàn tay của Lâm Chiêu Đồng trở thành loại giấy dai, cứng, bề mặt nhám, mặt giấy không thay đổi hình dạng khi vò lại, là chất liệu tốt để xé dán tranh, làm cho các tác phẩm thêm sinh động. Ông bảo: “Tranh xé dán rất phức tạp, đòi hỏi sự chịu khó và đầu tư thỏa đáng thì mới đạt hiệu quả”. Chính điều này giúp tranh của họa sĩ Đồng được nhiều người trong giới đón nhận và 2 lần ông đoạt giải thưởng triển lãm tranh mỹ thuật tại ĐBSCL.
Không chỉ có tranh xé dán, tranh sơn mài, những tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu giấy giả đá, giả gỗ, giả đồng, chất liệu sơn mài trên gốm hay tác phẩm từ thùng xốp của ông đều rất tuyệt vời.
Chưa tài hoa như Lâm Chiêu Đồng nhưng 3 chàng sinh viên Trường Đại học Cần Thơ gồm Quách Văn Đen, Lý Văn Lợi (khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên), Trần Thanh Toàn (khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng) cùng hợp tác mở cửa hàng 3R-Goods. Đây là nơi thu mua sách báo, tài liệu cũ và bán những bức tranh nổi, khung ảnh, chậu mai giả… làm từ bọc nylon, giấy vụn, vỏ trứng… 3R có nghĩa là Reduce (giảm rác thải), Reuse (tái sử dụng), Recycle (tái chế).
Bước vào cửa hàng, khách sẽ ngạc nhiên với bức tranh khắc họa con rồng uốn lượn được làm từ… xơ dừa. Còn những bức chân dung chạm nổi, mai vàng được làm từ túi nylon là sản phẩm bán chạy nhất trong thời gian qua.
Chủ đề bảo vệ môi trường là thông điệp xuyên suốt trong các tác phẩm của Lâm Chiêu Đồng như: Quê hương còn mãi màu xanh, Phục sinh, Đánh cá, Phố vắng, Mùa quê khô khát… Chẳng hạn với bức tranh “Mùa không cá”, ông muốn thể hiện mối lo trước mắt trong cuộc mưu sinh của những người dân chài nói riêng và người dân vùng sông nước nói chung khi sông hết cá. Hay tác phẩm họa sĩ Đồng chuẩn bị dự thi vào tháng 8 tới đây nói về dòng sông Mekong đang cạn kiệt nguồn nước… Ông nói: “Giấy vụn thay vì bỏ đi, chúng ta biến nó thành nguyên liệu có ích. Chính những bức tranh xé dán từ giấy giúp tôi thấy tác phẩm của mình có ý nghĩa hơn”.
Cùng chung mục tiêu với họa sĩ Đồng, phương châm hoạt động của 3R-Goods là “giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu”. Anh Quách Văn Đen (ảnh), một trong những người sáng lập cửa hàng cho biết: “Tiền kiếm được từ bán các sản phẩm tuy không nhiều nhưng giúp các bạn sinh viên nhận ra việc bảo vệ môi trường là cần thiết”.
Theo SGGP