Mới vào đầu hè, thấy Tún mẩn ngứa khắp người, bà nội mua nước sâm lạnh bán ở cạnh nhà cho bé uống thay nước lọc hàng ngày. Mẹ Tún cũng biết nước sâm, nước mát thì có thể giải nhiệt, uống trong ngày nóng thì rất tốt. Tuy nhiên, cho trẻ con uống quá nhiều nước sâm là không tốt. Ngay cả khi thời tiết nóng bức, cũng chỉ nên cho bé uống nước lọc để nguội là chính.
Bà nội Tún nhất định không đồng ý. Bà bảo trời hè nóng thế này, bé thích uống nước sâm thay cho nước lọc cũng tốt. Mỗi ngày, bà mua hẳn mấy chai nước sâm, để vào tủ lạnh cho bé uống khi nào bé khát. Có ngày bé uống gần 1 lít nước sâm.
Trước hết, cần khẳng định rằng, không nên cho trẻ nhỏ ăn uống thường xuyên bất kỳ món gì được chế biến sẵn, bán ngoài đường. Nước sâm lạnh bán ở các vỉa hè, lề đường tuy nhìn bắt mắt, hương vị thơm ngon, uống vào vừa mát vừa ngọt, đã ngay cơn khát nhưng ai có thể đảm bảo trong đó được sử dụng những hoá chất nào tạo màu, tạo mùi nhân tạo, hay cho các loại đường hoá học.
Nếu bà hoặc người lớn trong gia đình muốn cho bé uống nước sâm nên chịu khó nấu. Việc nấu nước sâm từ mía lau, rễ tranh, râu ngô… rất đơn giản. Mẹ có thể mua nguyên liệu cột thành từng bó nhỏ bán ngoài chợ, về nhà rửa sạch, cho vào nồi hoặc ấm nấu sôi kỹ. Thêm một chút đường phèn cho đủ độ hơi ngọt là đã có những ly nước sâm vệ sinh, sạch sẽ giải nhiệt mùa nóng rồi.
Tuy nhiên cho trẻ nhỏ uống nhiều nước sâm không tốt chút nào, đặc biệt không nên cho trẻ uống nước sâm thay nước lọc. Mức nước sâm cho trẻ nhỏ chỉ nên là 1-2 ly nhỏ (khoảng 200-300ml) mỗi ngày. Vì nước sâm với các loại rễ tranh, râu bắp, mía lau… có tác dụng lợi tiểu tốt nên khi uống quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng trẻ tiểu thường xuyên, tiểu nhiều, gây mất nước cho cơ thể.
Uống trà sâm/sâm sẽ bị dậy thì sớm
Mùa nắng nóng, mẹ nên cho bé uống thường xuyên từng ngụm nhỏ nước lọc, không nhất thiết uống ừng ực từng ly lớn. Cho bé uống đủ nước, khoảng 100ml/kg cân nặng/ngày. Thỉnh thoảng trong ngày mới bổ sung thêm ít nước sâm, nước dừa tươi, nước ép trái cây cho bé. Mẹ có thể quan sát nước tiểu của trẻ trong, có màu vàng nhạt là tốt.
Cho bé ăn nhiều hơn ngày thường nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như: rau giền, rau muống, bí… chúng giúp mang lại cảm giác mát mẻ, đồng thời cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể, bổ sung chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Bữa ăn của bé cần chia nhỏ và có nhiều canh rau, ít dầu mỡ… Cho bé ăn bổ sung bằng những bữa ăn bổ mát như: chè hạt sen, sữa, sữa chua, bánh flan…
Thức ăn của bé cần tránh để ngoài nhiệt độ môi trường hơn 2 giờ.
Không cho bé ăn nhiều kem hoặc kem còn đông cứng vì sẽ làm niêm mạc miệng bé bị tổn thương, dẫn đến bé mắc những bệnh về đường hô hấp.
Mẹ cần chú ý những yếu tố về thời tiết vì thời tiết nóng có thể ảnh hưởng đến dinh dưỡng của bé. Bé dễ mắc bệnh tiêu chảy do thức ăn ôi, thiu, do vi khuẩn dễ sinh sôi nảy nở trong môi trường nóng ẩm cũng như nước đá không tinh khiết.
Thu Hằng (Tổng hợp)
(theo afamily)