Chưa hài lòng với 56 điểm
Mặc dù giữ vị trí thủ khoa nhưng Ngân chưa hài với mức điểm đạt được. Theo Ngân, lẽ ra em có thể đạt điểm Sử cao hơn mức 8,5 nhưng do kiến thức môn Sử quá nhiều, nên Ngân bỏ sót một phần “chưa động đến”. “Em luôn đặt cho mình mốc cao nhất để cố gắng hết sức chứ không phải chỉ là mức điểm nào đó rồi cố gắng đạt được và cảm thấy mãn nguyện. Lẽ ra, em phải đạt điểm Sử cao hơn”, Ngân tiếc nuối.
Với lợi thế là dân chuyên Anh và thi ĐH khối A, Ngân đã ôm trọn điểm 10 ba môn Toán, Hóa, Anh. Còn lại, môn Địa đạt điểm 9, môn Văn và Lịch Sử cùng 8,5 điểm. Ngân cho biết, trước khi thi, em lo ngại nhất là môn Địa. Ngân bộc bạch: “Em thi ĐH khối A nên môn Sử và Địa là hai môn trái tay với em. Nhiều bạn lo môn Sử hơn môn Địa vì cho rằng môn Địa vào phòng thi có Atlat là làm được bài. Nhưng em nghĩ không phải thế, Atlat chỉ là phương tiện giúp mình nhớ lại kiến thức, còn trong đầu phải có sẵn một cái khung kiến thức thì mới viết ra được. Nên trong hai môn Sử, Địa, em sợ môn Địa hơn”.
![]() |
Cô học trò trường Am đạt thủ khoa của Hà Nội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010 |
Cũng theo Ngân, thời gian em dành cho ôn thi tốt nghiệp cũng không nhiều nhưng có phương pháp khoa học nên việc ôn luyện vẫn đạt hiệu quả. Là dân chuyên Anh nên vấn đề thi tốt nghiệp hai môn Tiếng Anh và Ngữ Văn không có gì khó khăn. Môn Toán, Hóa, Ngân kết hợp với ôn thi ĐH. Với hai môn Sử, Địa, Ngân dựa theo đề cương thầy cô cho từ sau khi Bộ công bố môn thi tốt nghiệp và túc tắc ôn tập từ đó. “Thời gian em dành cho ôn thi tốt nghiệp không nhiều. Mỗi ngày em thường dành khoảng hai tiếng để học Lịch Sử hoặc Địa Lý sau đó chuyển sang làm bài tập Toán, Lý, Hóa để đỡ nhàm chán. Em không ép mình học theo số lượng thời gian mà làm sao học phải có hiệu quả”, Ngân giãi bày.
Nuôi ước mơ đỗ thủ khoa ĐH Ngoại Thương
Là học sinh lớp chuyên Anh nhưng Ngân lại có định hướng thi khối A ngay từ đầu năm lớp 10. Bởi lẽ, Ngân quan niệm, tiếng Anh học cả đời chứ không chỉ học để đi thi và Ngân thích những môn học đòi hỏi tính tư duy logic. “Em cảm thấy rất thoải mái và có thể ngồi cả ngày để giải Toán, Lý, Hóa nên em đã chọn thi ĐH khối A”, Ngân chia sẻ.
Ngân cho biết, em không đi học thêm nhiều mà thường mua sách tham khảo đọc và tải các đề trên mạng về làm. Ngân chi li tính toán: “Nếu một ngày đi học tới hai, ba ca thì chỉ tính thời gian đi ngoài đường đã mất nhiều rồi. Thế rồi, về nhà mệt không học được nữa nên mỗi môn em chỉ học một lớp. Thời gian còn lại em đọc và làm đề trong sách và trên mạng”.
Theo Ngân, môn Lý, Hóa thi trắc nghiệm, đòi hỏi kiến thức rộng khắp ba năm học do đó nếu mất gốc thì rất khó đạt điểm cao. Môn Toán sẽ dễ bị mất điểm ở phần trình bày. Do đó, thời gian này Ngân cố gắng rà lại kiến thức các môn lần cuối trước khi kỳ thi bắt đầu. Ngoài ra, Ngân dành thời gian để luyện trình bày một bài thi Toán sao cho khoa học bằng cách tự giải đề rồi nhờ thầy giáo chấm, rút kinh nghiệm. “Em nghĩ khâu trình bày rất quan trọng. Các bước làm bài thi toán cũng giống như trình bày một bài văn, phải có mở, thân và kết bài. Em sẽ cố gắng không bị mất điểm ở phần trình bày môn Toán”, Ngân nói.
Bên cạnh kế hoạch học tập, Ngân cũng khá chú ý đến việc ăn, ngủ, nghỉ để đảm bảo sức khỏe cho ngày thi.
Mặc dù biết, việc đạt vị trí thủ khoa của ĐH Ngoại Thương không phải “ngon ăn” nhưng Ngân vẫn luôn nuôi mơ ước này, ngay cả trước khi đạt thủ khoa tốt nghiệp THPT. “Để đạt thủ khoa ĐH Ngoại Thương khối A có lẽ chỉ còn cách phải đạt 30 điểm. Trong cả năm qua em đã thử sức với các đề thi nhưng bao giờ em cũng sai sót chút ít, không mắc lỗi này thì lỗi kia. Em nghĩ đi thi đạt điểm 9 không khó nhưng đạt điểm 10 là một sự cách biệt lớn. Tuy vậy em vẫn không từ bỏ ước mơ chinh phục vị trí này. Em sẽ cố gắng cẩn thận hơn khi “xung trận”, Ngân hạ quyết tâm.
(Theo Đất Việt, thugian)