Người làng kể lại rằng, cách đây 118 năm (năm 1892), cụ Nguyễn Đình Khánh khai trương hiệu ảnh chân dung đầu tiên ở phố Hàng Da (Hà Nội) lấy tên là Khánh Ký. Và cái nét riêng trong chụp ảnh chân dung: chụp toàn thân, mặt hướng thẳng, ngồi ghế hai tay đặt trên đầu gối xòe đủ 10 đầu ngón tay, rõ mặt rõ hình thời ấy đã trở thành thương hiệu “chân dung kiểu Khánh Ký”. Thợ giúp việc cho cụ toàn người trong dòng họ làng Lai Xá. Cửa hàng Khánh Ký có lúc lên tới vài chục người vừa học vừa làm mà người hướng dẫn, đào tạo là cụ Nguyễn Đình Khánh. Vì thế người dân làng Lai Xá từ đó tới nay vẫn tôn thờ cụ là ông tổ nghề ảnh của làng.
Những học trò của cụ Khánh sau này đã phát triển và hình thành hơn 150 hiệu ảnh khắp đất nước với khoảng 2.000 thợ ảnh, tập trung nhất là ở Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Những hiệu ảnh của người làng Lai Xá thường gắn với chữ “Ký” hoặc chữ “Lai” như An Ký, Thịnh Ký, Thiện Ký… hay Phúc Lai, Kim Lai, Mỹ Lai… Không chỉ ở trong nước, người Lai Xá còn hoạt động nghề nhiếp ảnh ở nhiều nước trên thế giới: Pháp, Đức, Trung Quốc, Campuchia, Myanma, Lào…
Những năm 1911 – 1912, do hoạt động phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục bại lộ, bị mật thám theo dõi, cụ Khánh phải tạm lánh sang Pháp và mở hiệu ảnh ở Toulouse. Trong số hàng trăm bức ảnh chụp chân dung Tổng thống pháp Raymond Poicare thời đó, bức chân dung do Khánh Ký chụp được đánh giá là đẹp nhất và được nhiều báo Pháp chọn đăng. Vì vậy, tên tuổi ông càng nổi tiếng.
Tiếp thu nghề truyền dạy từ cụ Khánh Ký, người làng Lai Xá đã mang nghề ảnh đi làm ăn khắp các tỉnh thành. Cũng vì lý do đó mà mãi tới tháng 1/2000, những cựu thợ ảnh Lai Xá mới tập hợp và lập ra được Ban làng nghề. Thế rồi Ban làng nghề đã mở lớp dạy nghề nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh ở Lai Xá. Năm 2003, họ đã có CLB nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh. Cũng năm này, tỉnh Hà Tây đã chính thức cấp bằng công nhận Làng nghề nhiếp ảnh cho Lai Xá.
Lai Xá hiện nay chẳng lưu lại được là bao đặc điểm của làng nghề, một mặt cũng bởi đặc thù của nghề nhiếp ảnh không phải làm ra sản phẩm đồng loạt để trưng bày, giới thiệu mà chỉ cảm nhận được sự tồn tại của nghề qua phương thức cha truyền con nối; nhưng mặt khác, bởi 2/3 diện tích của Lai Xá hôm nay đã bị biến thành khu công nghiệp, thành quốc lộ 32, thành nhà chung cư và các khu đô thị. Thế nhưng cái sức sống bền bỉ của một làng nghề thì vẫn mãnh liệt vô cùng. Tính từ thời cụ Nguyễn Đình Khánh thì trong làng giờ đã có tới thế hệ thứ 4 cầm máy. Về Lai Xá vẫn còn nghe người ta truyền tai nhau lời khen tặng của nhà thơ Tố Hữu rằng, ở mảnh đất này, từ em bé đến cụ già râu trắng như cước, cứ có máy ảnh trong tay là họ đều chụp được những bức ảnh đẹp.
Ông Mạnh Hùng – người làng Lai Xá -hiện sở hữu cửa hàng ảnh lớn trên phố Tràng Thi (Hà Nội) kể rằng: bố ông làm ảnh từ năm 12 tuổi, đến năm 75 tuổi mới nghỉ nghề. Bản thân ông là thế hệ thứ 3 của cụ Khánh, 60 tuổi nhưng vẫn rất đam mê cầm máy. Ông bảo, người Lai Xá sở hữu được kỹ thuật chụp khéo léo và bí quyết pha thuốc hãm để đủ độ sáng cho các bức ảnh do các cụ truyền dạy. Tất nhiên mỗi bức ảnh có tiếng nói riêng, thẩm mỹ riêng qua con mắt và góc độ của từng người, nhưng những kỹ thuật cơ bản được truyền lại là bí quyết của riêng những tay máy Lai Xá.
Theo ước tính, có tới 60 – 70% thợ ảnh VN xuất xứ từ làng Lai nhỏ bé này. Dù làm ăn sinh sống trên mọi miền đất nước, nhưng cứ 15/2 âm lịch hàng năm, họ lại tụ về phố Lai, trang trọng đi rước Thành Hoàng làng và vào 20/4 âm lịch hàng năm, họ lại tổ chức giỗ ông tổ nghề ảnh. Họ luôn tự hào rằng, Lai Xá là làng nghề độc đáo của Thăng Long 1000 năm tuổi.
Lệ Quyên
Theo suckhoedoisong