Con đường về nhà những 80 cây số, mà con cứ mong nó dài mãi ra… Con cứ nhì nhèo hỏi anh không biết bao nhiêu lần rằng “Rồi mọi người có thích em không?” làm anh phì cười “Anh sẽ bảo mọi người cố gắng”.
6h30’ mới lồm cồm bò dậy. Mẹ đang lúi húi trong bếp, bố và bà đã ăn sáng xong và đang xem ti vi. Đánh răng rửa mặt xong thì anh vẫn chưa thèm dậy, con đang lúng túng không biết làm gì thì lại hoa cả mắt khi thấy mẹ xách mấy phích nước đi về phía 3 con gà sống đang đợi được “hóa kiếp”, thêm một thực tế phũ phàng, là từ bé đến giờ tất cả những gì liên quan đến việc “làm gà” mà con biết làm chỉ là giữ chân để cắt tiết và vặt lông. Con run run lại gần, mẹ cười “Đi ăn sáng đi con, rồi tí nữa mới làm gà cơ”. Ăn sáng xong, con theo mẹ ra làm gà, trong lòng tự nhủ “Thôi thế là bị trừ cả trăm điểm chỗ này đây”.
Thực ra con cũng đã từng được học “lý thuyết” khi xem mẹ đẻ con làm gà nhiều lần, nhưng chưa bao giờ thực hành cả. Trong đầu con nảy ra 2 lựa chọn, một là thử thực hành lần đầu xem sao, biết đâu… hai là thành thật. Cuối cùng, trong lúc ngồi vặt lông gà với mẹ, con chọn phương án thành thật “Con không biết mổ gà cô ạ…” Mẹ chỉ cười, rồi lại hỏi chuyện con về gia đình và nói sơ sơ kế hoạch giỗ ông hôm nay, làm con không thể đoán được mẹ nghĩ gì, mãi sau này con mới được biết là cái “tử huyệt” không biết mổ gà của con đã được anh báo trước và kéo lại hộ con bằng nhiều những ưu điểm mà làm cho con trai mẹ yêu thương.
Sau màn làm gà, thì các cô chú và họ hàng dần dần đến, nhà dần dần đông, và con dần dần mỏi miệng. Vì con cứ cùng mẹ loanh quanh trong gian bếp, và ai đến cũng được anh thông báo để vào ngó cái con bé “lần đầu ra mắt” một cái xem sao, con thì chẳng biết phải làm sao, chỉ biết chào và cười. Con tự thấy thần kinh mình cũng vững, được giao nấu mấy món (siêu đơn giản) mà không hề nhầm lẫn muối với đường trong khi tâm trí cứ để đi đâu xem ngoài phòng khách mọi người đang nói gì về mình.
Hết bữa cỗ, đương nhiên là đến phần rửa bát. Con cũng đã được dặn dò là rửa bát cũng là một thử thách, cố mà vượt qua, nhưng nhìn mấy chồng bát đũa ngổn ngang, nghĩ đến cảnh một mình lọ mọ, quả thật đúng là ngao ngán. Con ước gì mình đừng can đảm đến thế mà lên xe cùng anh về hôm nay. Còn đang loay hoay, thì con thấy cô em họ ào ra, xắn tay áo, thoăn thoắt múc nước, tíu tít chuyện trò với con như đã quen từ lâu lắm. Hai chị em vừa nói chuyện vừa làm, cũng chẳng mấy mà xong.
Rồi mẹ gọi con vào nhà, ngồi chơi chuyện trò với các bà và các cô. Con cũng không thấy ngượng ngùng nhiều lắm nữa, vì loanh quanh mọi người cũng chỉ hỏi về gia đình, về công việc, bà hỏi, rồi cô hỏi, vẫn chỉ vậy thôi, con thuộc lòng rồi. Đến chiều, mọi người đi về hết, con và anh cũng chuẩn bị đồ đạc để đi xuống Hà Nội. Mẹ gói cho hai đứa mấy thứ hoa quả, rồi dặn dò hết điều này đến điều khác, rồi mẹ đứng nhìn hai đứa mãi đến khi đi khuất bóng. Cái dáng mẹ bịn rịn, quyến luyến, sao mà giống mẹ con ở nhà đến vậy…
Thời gian trôi qua, chính mẹ là người đưa con đến gần với gia đình mình hơn, khi mà thỉnh thoảng mẹ nhắn 2 đứa về chơi, rồi đưa con đến nhà họ hàng nhân ngày hiếu hỉ, lễ lạt, hoặc những lần mẹ xuống Hà Nội thăm anh, mẹ lại cùng con đi đâu đó.
Những ngày chuẩn bị cho đám cưới, con thấy mình thật sự hạnh phúc. Vì mẹ luôn luôn ở bên con, vừa lo lắng cho sức khỏe của con, vừa lo lắng cho đám cưới. Mẹ chuẩn bị thật kỹ càng từ những chi tiết nhỏ nhất, và luôn luôn hỏi ý kiến của con trước khi quyết định mua sắm thứ gì, sửa sang thứ gì. Mẹ nói “Vì mẹ muốn con được thật sự thoải mái khi về nhà mình”.
Thời gian con về với mẹ chưa nhiều nhưng con học được ở mẹ thật nhiều điều trong đối nhân xử thế, chuẩn bị vững vàng cho vai trò dâu trưởng trong nhà. Cũng có nhiều khi con vụng về, mẹ chỉ cười xòa bảo con làm lại. Còn con chẳng bao giờ thấy mẹ khó tính và ghê gớm khi bảo con “phải làm thế này, đừng làm thế kia” vì đơn giản con thấy ở nhà con mẹ con cũng thường nói với con như thế, các bà mẹ vẫn luôn giống nhau mà.
Hà Nội ngày 9/6/2010
Bảo Anh
(theo afamily)