Hoa nhài là cây thân gỗ, thường mọc thành bụi, lá bóng cả hai mặt, phiến lá hình bầu dục hơi trái xoan, mọc đối. Hoa trắng, mọc thành cụm ở nách lá hay ngọn cây, hoa hay nở vào ban đêm, cũng có khi nở rộ vào giữa trưa. Hoa nhài được trồng làm cảnh ở khắp nước ta. Ngoài công dụng để ướp trà, hoa nhài còn là vị thuốc chữa một số bệnh thông thường. Trong y học cổ truyền, hoa nhài có tính bình, hơi hàn, vị đắng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp, tiêu thũng, hoạt huyết… dùng chữa bệnh mất ngủ, tăng huyết áp, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt…
Bài thuốc chữa bệnh có sử dụng hoa nhài:
Trị bệnh tiêu chảy: Hoa nhài 6g, chè xanh 10g, thảo quả 3g, vỏ dộp ổi 3g. Cách dùng: 4 thứ trên đem sắc với 600ml nước còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày, uống sau các bữa ăn. Uống liên tục trong 3 ngày. Hoặc hoa nhài 10g, vỏ quả lựu 10g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống trong 4 ngày.
Chữa chứng hay nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt: Hoa nhài và hoa cúc vàng, mỗi vị 6g. Cả hai rửa sạch, để ráo đem hãm với nước sôi, uống thay nước chè hàng ngày.
Nhức mỏi, đau đầu gối: Hoa nhài 50g, móng giò lợn 200g. Cách nấu: móng giò lợn rửa sạch, chặt khúc, ướp gia vị. Hoa nhài đã rửa sạch để ráo. Cho 3 bát nước đun sôi móng giò khoảng 30 phút, cho hoa nhài vào, nêm gia vị vừa đủ bắc ra ngay. Ăn khi canh còn nóng, có thể dùng làm canh ăn với cơm. Mỗi tuần nên ăn khoảng 3-5 lần. Đơn thuốc này dễ làm nhưng lại hiệu quả cho người hay nhức mỏi, đau đầu gối.
Giúp thanh nhiệt mùa hè, tăng cường sức đề kháng: Hoa nhài khô 6g sắc uống thay nước hàng ngày. Hoặc dùng trà hoa nhài: Hoa nhài khô 1 thìa, cho hoa nhài vào bình trà, rót 300ml nước sôi để hãm, 5 phút sau trà có mùi thơm có thể uống luôn, người thích ngọt thì cho thêm mật ong hòa đều để nguội uống. Bài thuốc này có công dụng thanh thuần tỉnh não, khai khiếu giải phiền.
Chữa đi tiểu nhiều: Hoa nhài 5g, ngân hạnh 3g, sắc với 3 bát nước trong 1 giờ. Ngày uống hai lần, uống trong 7 ngày.
Theo SKĐS