Thủ thuật cắt cụt thời kỳ đồ đá: Các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng của thủ thuật cắt cụt tinh vi ở bộ xương người từ thời kỳ đồ đá này. (Ảnh: Antiquity Journal)
Xác nhận kiến thức y học cao cấp vào khoảng 4.900 năm trước Công nguyên, những phát hiện này thách thức lịch sử phẫu thuật hiện tại và sự phát triển của nó.
Tại một di chỉ thuộc thời kỳ Đồ đá mới, được khai quật vào năm 2005 tại Buthiers-Boulancourt, 40 dặm về phía nam Paris, các nhà khoa học đã tìm thấy bộ xương của một ông già được chôn cất vào khoảng 7.000 năm trước. Các xét nghiệm cho thấy một thủ thuật cắt cụt đã được tiến hành một cách có chủ ý và đã thành công, trong đó một viên đá lửa được mài sắc đã được sử dụng để cắt xương cánh tay của người đàn ông này ở trên khớp ròng rọc.
Thật ấn tượng là, bệnh nhân thậm chí còn được gây mê. Cánh tay đã được cắt sạch, và vết thương được xử lý trong điều kiện vô trùng. Kiến thức phổ biến là các bác sỹ thời kỳ đồ đá đã thực hiện việc khoan sọ (có nghĩa là cắt qua hộp sọ), nhưng thủ thuật cắt cụt thì chưa từng được nghe nói đến cho đến bây giờ.
Theo một báo cáo nghiên cứu đăng trên Antiquity Journal, việc kiểm tra bằng mắt thường đã không cho thấy bất kỳ sự nhiễm trùng nào liên quan đến việc cắt cụt này, cho thấy rằng nó đã được tiến hành trong điều kiện tương đối vô trùng.
Các nhà khoa học thấy rằng bệnh nhân này đã sống sót sau ca phẫu thuật, và mặc dù ông ta bị viêm khớp xương, ông ta đã sống được nhiều tháng nếu không phải là nhiều năm sau đó.
Theo tờ Daily Mail, nhà nghiên cứu Cécile Buquet-Marcon nói rằng, các loại cây có tác dụng giảm đau như Cà độc dược gây ảo giác có thể đã được sử dụng, và các loại cây khác như cây xô thơm có thể đã được sử dụng để làm sạch vết thương.
Việc mất đi cẳng tay của bệnh nhân này đã không loại trừ ông ta khỏi cộng đồng. Ngôi mộ của ông có kích thước trên trung bình 6,5 feet (1,98m) và chứa một chiếc rìu bằng đá diệp thạch, một cái cuốc chim bằng đá lửa, và di hài của một con động vật còn nhỏ, cho thấy một địa vị xã hội cao.
(theo vietsoh.com)