Bà Phạm Thị Hoài, chủ nhân ý tưởng bức tranh, cho biết: bố cục bức tranh gồm 3 phần nói về Cố đô Hoa Lư và các điểm mốc lịch sử quan trọng của dân tộc thời Đinh – Tiền Lê – Lý. Bức tranh được bố trí theo thứ tự từ trái qua phải gồm: Sự ra đời của nhà nước Đại Cồ Việt; Phong cảnh của Cố đô Hoa Lư với hai ngôi đền thờ hai vị vua gắn liền với miền đất Hoa Lư là Đinh Tiên Hoàng Đế và Lê Đại Hành; phần cuối là Chiếu dời Đô của vua Lý Công Uẩn đánh dấu mốc lịch sử trọng đại của đất nước, bắt đầu thời kỳ mới của Thăng Long – Hà Nội.
Một phần bức tranh thêu Cội xưa. Ảnh: Thể thao Văn hóa. |
Các hình ảnh được giới thiệu trên bức tranh bao gồm: Đền thờ vua Đinh, vua Lê, hình ảnh cầu Đông, cầu Dền, cột Nhất Trụ, chùa Tháp… và hình ảnh sông núi, nước non và con người mảnh đất Cố Đô. Xung quanh hai ngôi đền là những công việc thường nhật của người dân miền Cố Đô như kéo lưới, gánh củi… Những công việc bình dị, thanh bình diễn ra hằng ngày thể hiện bản sắc quê hương, con người Ninh Bình.
“Toàn bộ các họa tiết thể hiện trong bức tranh hay những chi tiết lịch sử như cầu Đông, cầu Dền, chùa Tháp đều được lấy từ các bản khắc đá dưới chân cột đá đền Đinh (hậu cung), được khắc từ thời Nguyễn cách đây hơn 300 năm”, bà Hoài tiết lộ.
Ông Nguyễn Đỗ Bảo, Chủ tịch Hội mỹ thuật Hà Nội, thì cho rằng bức tranh không đơn thuần nhắm đến một kỷ lục mà nó có một ý nghĩa khác lớn hơn là thể hiện tấm lòng của tác giả và các nghệ nhân làng nghề Văn Lâm đối với Hà Nội 1.000 năm tuổi.
Theo baodatviet