Trong thập kỷ tới cảnh tượng phi cơ bay thẳng từ đường băng lên vũ trụ sẽ trở thành hiện thực, các nhà khoa học Anh tuyên bố.
Mô hình máy bay Skylon. Ảnh: Công ty Reaction Engines.
News cho biết, Cơ quan Vũ trụ Anh (UKSA) đang kêu gọi các công ty, tổ chức hợp tác để chế tạo loại phi cơ có khả năng bay lên quỹ đạo địa cầu. Các kỹ sư của hãng Reaction Engines đã thiết kế xong kiểu dáng của loại phi cơ này theo yêu cầu của UKSA và gọi nó là Skylon. Điểm khác biệt lớn nhất của Skylon so với các máy bay khác là nó không cần phi công.
Với chiều dài xấp xỉ 90 m, Skylon có thể bay với tốc độ gấp 5 lần âm thanh (khoảng 1,720 km/giây) và chở được 24 người. Do tốc độ lớn như thế nên Skylon có thể bay lên quỹ đạo trái đất rồi trở về trong vòng vài giờ. Nó không có các động cơ ngoài như máy bay truyền thống. Hai động cơ bên trong của Skylon hút oxy và hydro từ không khí bên ngoài để thực hiện quá trình đốt trong và tạo lực đẩy.
Theo Telegraph, UKSA và hãng Reaction Engines tin rằng Skylon sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực du lịch vũ trụ. Họ khẳng định nó có thể chở 12 tấn hàng hóa và người lên Trạm Không gian quốc tế (ISS). Chi phí dành cho mỗi chuyến bay của Skylon vào khoảng gần 9 triệu USD, thấp hơn nhiều so với chi phí phóng tàu vũ trụ (135 triệu USD). Giá bán của một chiếc Skylon vào khoảng 1 tỷ USD.
Richard Varvill, giám đốc kỹ thuật của Reaction Engines, nói với tạp chí The Engineer rằng Skylon có thể giúp con người đưa những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường lên vũ trụ rồi đem thành phẩm về địa cầu.
Skylon sẽ đưa du khách lên quỹ đạo trái đất mà không cần phi công. Ảnh: Công ty Reaction Engines.
Các quan chức của UKSA sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào tuần tới để thảo luận về chương trình sản xuất Skylon. Hãng Reaction Engines thông báo quá trình chế tạo sẽ kéo dài tới 10 năm. Sau đó Anh sẽ trở thành quốc gia đầu tiên đưa máy bay vào quỹ đạo trái đất.
Thông tin về máy bay Skylon được công bố chỉ vài ngày sau khi tập đoàn Boeing thông báo họ sẽ tổ chức các chuyến du lịch vũ trụ trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2015. Tuy nhiên, phi thuyền do Boeing chế tạo chỉ chở được 7 người.
Ngay cả đối với những kỹ sư xuất sắc nhất thế giới, máy bay đưa khách lên vũ trụ vẫn là một giấc mơ khó trở thành hiện thực. Cơ quan Vũ trụ châu Âu, Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ đã chi nhiều tỷ USD vào việc thiết kế một phi cơ như vậy song chưa đạt được bất kỳ thành quả nào.
Minh Long
(theo vnexpress)