Các chuyên gia đã gửi một nhóm vệ tinh đóng vai trò “cảnh sát giao thông”, để điều phối tình hình giao thông đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ trên quỹ đạo trái đất.
Các chuyên gia đã gửi một nhóm vệ tinh đóng vai trò “cảnh sát giao thông”, để điều phối tình hình giao thông đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ trên quỹ đạo trái đất.
Những vụ va chạm vệ tinh trên tầng địa tĩnh có thể hiếm khi xảy ra, nhưng một khi sự cố xuất hiện, ảnh hưởng của nó có thể kéo dài và không lường trước được. Lý do là trên quỹ đạo trái đất, các mảnh vụn sau những vụ va chạm không đột nhiên biến mất trong vũ trụ hoặc rơi xuống mặt đất. Chúng sẽ tiếp tục di chuyển với vận tốc cực nhanh, làm tăng xác suất cho lần va chạm tiếp theo. Để tránh viễn cảnh chẳng mấy sáng sủa đó, một tổ hợp vệ tinh “cảnh sát giao thông” được thiết kế để ngăn chặn điều này.
Hiệp hội Dữ liệu không gian (SDA), bắt đầu hoạt động hồi tháng 7, có nhiệm vụ cung cấp các cảnh báo sớm về những vụ va chạm vệ tinh có thể xảy ra để các nhà điều hành có thể di chuyển vệ tinh của mình đến điểm an toàn trước khi quá trễ. Điều hành khoảng 120 vệ tinh “cảnh sát”, SDA là sự kết hợp của các tổ chức vệ tinh quốc tế gồm Intelsat (trụ sở tại Washington D.C), Immarsat (London) và SES (Luxembourg). Space-data.org dẫn lời Giám đốc SDA Tobias Nassif cho hay trong suốt 16 năm trong nghề, ông đã buộc phải di chuyển vệ tinh khoảng 2 lần để tránh đến gần quá mức một vệ tinh khác. Tuy nhiên, ngày càng nhiều vệ tinh được phóng vào quỹ đạo và xác suất va chạm cũng tăng dần.
Viễn cảnh một vụ đụng độ trong không gian dường như là quá xa vời cho đến ngày 10.2.2009, khi một vệ tinh quá hạn từ thời Liên Xô tên gọi Cosmos 2251 đâm vào một vệ tinh viễn thông thương mại đang hoạt động của Iridium. Vụ va chạm với vận tốc trung bình 11.587m/giây tại độ cao 790 km so với mặt đất đã thải ra một đống rác gồm hơn 1.700 mảnh với kích thước đủ lớn để các radar trên mặt đất phát hiện. Hiện vẫn còn 96% mảnh vỡ tiếp tục tồn tại trên quỹ đạo. Nhưng tai nạn trên vẫn chưa tạo ra rác không gian nhiều nhất cho một lần va chạm. Các chuyên gia quốc tế cho rằng vụ Trung Quốc bắn thử vệ tinh hỏng vào năm 2007 đã sinh ra hơn 2.700 mẩu rác vũ trụ.
SDA, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại đảo Man (Anh), dự kiến sẽ hoạt động hết công suất vào tháng 1 năm sau. Nhiệm vụ của tổ chức này không chỉ phát đi cảnh báo sớm về các vụ va chạm có thể xảy ra mà còn đưa ra cách giảm nhẹ tình trạng nhiễu sóng vô tuyến, có thể khiến các nhà điều hành mất sự kiểm soát đối với vệ tinh. Hiện có khoảng 350 vệ tinh thương mại làm việc ở độ cao hơn 35.800 km và thêm hàng trăm vệ tinh khác ở các quỹ đạo thấp hơn.
Theo TNO