“Nhân tài” không tốt nghiệp nổi đại học
Friday, September 17, 2010 14:45
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Một đứa trẻ mải xem tivi quên cả học bài, một cậu sinh viên chơi game online hết ngày này sang đêm khác đến ngất xỉu… là biểu hiện của tình trạng không quản lý được bản thân.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, để có kỹ năng quản lý bản thân, gia đình phải giáo dục cho trẻ từ tấm bé.
|
Nguyễn Văn Tuấn được tuyển thẳng vào một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội. Gia đình kì vọng Tuấn sẽ làm rạng danh dòng họ khi được vào học ở ngôi trường từng đào tạo ra hàng loạt giáo sư, tiến sĩ trên cả nước.
Nhưng, điều không ai có thể ngờ được là Tuấn học mãi nhưng không tốt nghiệp nổi đại học. Khoá học chỉ 4 năm mà Tuấn học đến 7 năm vẫn không xong.
Nguyên nhân là do Tuấn mê chơi game online.
Tuấn và cậu em trai (cũng đã vào đại học) thuê một căn phòng nhỏ ở phường Định Công (Hoàng Mai – Hà Nội). Hai anh em được bố mẹ sắm cho một chiếc máy tính, kết nối Internet để học nhưng suốt ngày thay nhau chơi game online. Cứ anh ngủ thì em chơi, em ngủ thì anh chơi. Hoà, em trai của Tuấn đỡ “mê” hơn, đi học đều đặn hơn, biết đi chợ nấu cơm và còn có giao lưu bạn bè. Còn Tuấn cứ vật vờ như con nghiện bên chiếc máy tính.
Ông Nguyễn Văn Trình, bố Tuấn cho biết: Thấy con học mãi mà không tốt nghiệp nổi, ông đã xin nghỉ việc để ra Hà Nội lo cơm nước và nhắc nhở con học bài. Nhưng ở được hai ngày thì Tuấn tuyên bố “nếu bố ở lại đây thì con về quê, còn nếu bố về quê thì con ở lại”. Người bố đành bất lực, trở về nhà.
Cũng vì mê game online mà nhiều trẻ vị thành niên đã phải nhập viện. Theo các chuyên gia tâm lý, game online thường có một lực hấp dẫn rất lớn đến người chơi, nếu không có sự tự quản lý bản thân thì rất dễ bị sa đà, bỏ bê hết mọi thứ.

Trẻ cần được rèn luyện từ nhỏ để định hình nhân cách tốt sau này. Ảnh: TL
Rèn dũa khả năng
“Rèn cách quản lý bản thân cho trẻ là một công việc thường xuyên, không ngơi nghỉ của bố mẹ. Bố mẹ “rèn con” nhưng phải “rèn” nhẹ nhàng, không tham lam, không vội vàng”.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Lâm Thuý
|
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Lâm Thuý, Giám đốc Trung tâm tham vấn tâm lý Gia đình & Trẻ em Vala, chơi game quên ăn, xem tivi quên học bài, hay chơi blog quên cả làm việc… đều là biểu hiện của tình trạng không thể quản lý được hành vi của mình.
Theo bà Thuý, biết quản lý cảm xúc, quản lý thời gian, quản lý hành vi, quản lý lời nói… là biết quản lý bản thân mình. Quản lý bản thân là cơ sở đầu tiên để sống hạnh phúc và thành công. Nhưng trên thực tế không mấy ai nhận ra tầm quan trọng của nó.
Bà Thuý đưa ra một sự so sánh thú vị: Một người đang đi trên đường bỗng nhiên bị chửi vào mặt “thằng mất dạy, mày nhìn đểu gì tao thế hả?”. Người biết quản lý cảm xúc sẽ nói “chết, mình xin lỗi, mình không cố ý nhìn bạn” và yên ổn bước đi. Người không biết quản lý cảm xúc, máu nóng sẽ dồn ngay lên mặt. Lời qua tiếng lại, thậm chí xông vào đánh nhau. Bởi vậy, theo bà Thuý, để giúp con có được những kỹ năng quản lý bản thân thì bố mẹ phải chú trọng “rèn dũa” những thói quen kiềm chế cảm xúc cho trẻ ngay từ bé, để định hình tính cách về sau.
Thạc sĩ tâm lý Phạm Mai Thu (Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống) cho biết: Sai lầm của phụ huynh là thường “rèn” con theo suy nghĩ và sự áp đặt của mình thành ra việc giáo dục không có hiệu quả. Ví dụ, có người mẹ nghĩ “giúp đỡ người khác” là một thói quen tốt nên bất kể vào thời gian nào cũng “rao giảng” với con. Trẻ không thể tiếp nhận được từ sự giáo dục căng thẳng đó.
Cách dạy kiềm chế cảm xúc với trẻ tốt nhất là nên đặt ra giới hạn chứ không phải lúc nào cũng “cấm”. Chuyên gia Nguyễn Lâm Thuý lấy ví dụ: Nếu con mê xem hoạt hình, cha mẹ không muốn con xem nữa thì không nên cấm hẳn mà nên quy định giờ xem cho con. Treo phần thưởng nếu con xem đúng giờ quy định. Nên cài chuông để báo thời gian kết thúc. Nếu chuông đổ, con tự động tắt tivi thì bố mẹ nên ghi điểm để thưởng cho con. Nếu chuông đổ mà con vẫn không tắt thì cắt phần thưởng và nhắc nhở.
Đây chỉ là phương pháp, còn mức độ và thời gian mà bố mẹ đưa ra cho trẻ còn tuỳ thuộc vào “khả năng chịu đựng” của từng lứa tuổi.
Lâm Vũ
(theo giadinh)