Cần phải nhắc lại là, đình Chu Quyến (xã Chu Minh, huyện Ba Vì, HN) là một ngôi đình cổ được xây dựng từ thế kỷ 17, hiếm hoi có nhiều tác phẩm trang trí đặc sắc được thể hiện cả trên đất nung và trên gỗ, tiêu biểu cho vẻ đẹp văn hóa vùng đất thiêng Ba Vì.
Dự án này đã được xây dựng một cách bài bản trên cơ sở một kết quả khảo sát, nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng về di tích và được tổ chức thi công theo một quy trình khoa học nghiêm ngặt. Đồng thời, thông qua việc thực hiện dự án này, những chuẩn mực trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã được xây dựng để áp dụng với các di tích khác nhằm nâng cao chất lượng khoa học và hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn, trùng tu di tích đang ngày một “chảy máu” tại Việt Nam hiện nay.
Tháng 9 vừa qua, UIA tổ chức Hội thảo quốc tế về bảo tồn Di sản kiến trúc 2010 khu vực IV (châu Á và châu Đại Dương) tại Tây An (Trung Quốc) với chủ đề Bảo tồn di sản kiến trúc trước tốc độ đô thị hóa – kinh nghiệm từ châu Á. Hội KTS VN đã cử KTS Lê Thành Vinh (Viện BTDT) tham dự và trình bày tham luận Lội qua vùng nước hiện đại hóa, thách thức và cơ hội đối với việc bảo tồn di sản kiến trúc ở châu Á. Tại hội thảo này, Dự án trùng tu đình Chu Quyến cũng đã được KTS Lê Thành Vinh gửi đi tham dự Triển lãm quốc tế những trường hợp điển hình về bảo tồn di sản kiến trúc ở châu Á được tổ chức cùng với hội thảo. Một Ủy ban giải thưởng bao gồm các nhà chuyên môn xuất sắc và các học giả có uy tín trong lĩnh vực này đã bỏ phiếu chọn ra 6 dự án trong tổng số 33 dự án được gửi đến từ 14 nước để trao giải thưởng lớn.
Dự án trùng tu đình Chu Quyến của Việt Nam đã vinh dự được nhận giải thưởng lớn và đứng đầu về số phiếu bình chọn. Đây được cho là một sự kiện rất có ý nghĩa đối với các KTS và các nhà trùng tu di tích Việt Nam trong hoạt động nghề nghiệp và giao lưu, hội nhập quốc tế.
KTS Lê Thành Vinh cho biết: “Để công việc trùng tu di tích thành công như trường hợp đình Chu Quyến trong thời buổi đang thiếu trầm trọng những người trùng tu di tích chuyên nghiệp, khoa học và đúng cách như hiện nay không thể vội vàng được mà phải hết sức thận trọng, nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng về di tích và được tổ chức thi công theo một quy trình khoa học nghiêm ngặt thì mới có thể thành công”.
(theo thethaovanhoa)