Cũng không hiếm những người vợ, mới ban ngày còn đay nghiến, còn tỏ ra thất vọng ghê gớm về chồng, thì nửa đêm lại lén thơm chồng một cái khi chồng đang ngủ: “người đâu mà nhìn thấy thương”! “Hiện tượng” này xảy ra khá phổ biến. Sao có chuyện khó hiểu như vậy?
Tình cảm hình “sin”
Có lần Lan (nhân viên văn phòng, ngụ tại P.3, Q.Gò Vấp) bức xúc với chồng: “Chắc chúng ta không thể sống với nhau được nữa, cứ yên lành vài hôm lại gây nhau”. Chồng: “Có gì đâu, ai chả thế”. Vợ: “Thật hết chịu nổi với cái thái độ của anh, vợ nói không tiếp thu mà sửa đổi, còn cãi chày cãi cối như thế. Thú thật, em mong không phải nhìn thấy mặt của anh, càng nhìn càng tức”. Thực tế, Lan gặp chuyện rắc rối ở công ty, đang bực trong người, lại mệt đừ, về nhà còn phải quăng mình vào bếp chuẩn bị bàn nhậu cho nhóm bạn của chồng. Khách tan, chị kiếm cớ gây sự.
Những người hay suy gẫm thường cảm thấy rất nặng nề với hạnh phúc “thất thường”. Cách đây chưa lâu, chị Mai Hoa vừa đưa đơn ra tòa xin ly hôn. Chị trình bày lý do, cuộc hôn nhân của chị giỏi lắm cũng chỉ hạnh phúc một nửa, vì cứ dăm ba hôm là vợ chồng lại gây nhau một bận; vui vẻ được vài ngày lại ghét bỏ nhau. Chồng chị phân bua: “Thưa tòa, có vợ chồng nào không cãi nhau. Cơ bản là tôi còn nặng tình cảm với vợ nên không đồng ý ly hôn”.
Thật ra, anh Trường chồng chị Hoa đã quá chủ quan, vì khi vợ anh đòi ra tòa, mọi thứ đã muộn, chị đã có tình cảm với người đàn ông khác. Trước đây, vào những lúc “mưa nắng” của tình cảm vợ chồng, một nam đồng nghiệp đã luôn chia sẻ, ân cần chăm sóc chị. Bị cái vẻ hoàn hảo bên ngoài của người đàn ông ấy thu hút, chị đã ngã lòng. Vậy mà anh Trường cứ nghĩ: “Giận dỗi rồi lại làm lành, có gì mà sợ!”.
Có người lại hay đưa cái thực tế tình cảm vợ chồng trồi sụt ra để so sánh với lúc mới yêu. Ngày xưa thì quấn quýt bên nhau, nàng có nói gì, làm gì chàng đều chiều. Hôm nào chàng cũng là “người hầu” trung thành, còn nàng là công chúa quyền uy. Bây giờ, tìm đâu ra sự yêu chiều của chàng như ngày trước được nữa. Đó là chưa kể, có ngày chàng nhìn vợ thấy “yêu không hết”, có ngày lại mới nhìn đã thấy… ngứa con mắt. Ngược lại, vợ cũng vậy. Chính cái sự “tình cảm không ổn định” trong đời sống vợ chồng khiến nhiều người không hài lòng khi nhìn lại cuộc sống hôn nhân của mình.
Yêu thương cũng… co giãn!
Có những người đã trải qua cuộc sống gia đình nhiều năm vẫn ngơ ngác không hiểu tại sao chàng (nàng) của họ đang say đắm đến thế chợt hờ hững, rồi một thời gian sau lại nồng nàn như… ngày mới yêu, cứ như theo một chu kỳ. Nhà tâm lý học người Mỹ – John Gray – sau một quá trình nghiên cứu cung cách ứng xử giữa vợ chồng đã phát hiện: tình cảm vợ chồng không bao giờ đứng yên một chỗ, mà đàn hồi như sợi dây cao su, hết co vào lại giãn ra. Tiếc là nhiều người không hiểu được chu kỳ tự nhiên này nên lắm lúc thấy người bạn đời cực kỳ khó hiểu, đang yên lành lại… “giở quẻ”!
Có người chồng lúc “tự dưng thấy ghét” vợ, “phang” không nể nang, lúc khác lại bỗng dưng… thấy thương vợ, mới hối hận vì những gì đã đối xử với vợ. Tình trạng này giống như chiếc lò xo giãn ra hết cỡ, sau đó co vào. Tức là lúc người đàn ông muốn quay trở về sau khi đã có những ứng xử xấu, lại bị vợ giận dỗi không chấp nhận, muốn đụng tay làm lành một cái cũng bị hất ra. Thế là tự ái nổi lên, người chồng cũng chẳng cần nữa. Theo John Gray, nếu chu kỳ tình cảm tự nhiên của người chồng thường xuyên bị bạn đời phá vỡ như vậy, những vết rạn trong quan hệ sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và có thể gây ra những hậu quả “không đỡ nổi”.
Trớ trêu là vào lúc người phụ nữ đang biểu lộ sự thân mật, muốn chia sẻ một cách cởi mở, lại rơi đúng vào lúc người đàn ông thấy cần phải có một khoảng cách. Thường là cứ vào thời điểm mà sự thân mật giữa hai người đạt đến đỉnh cao thì trong người đàn ông lại vang lên tiếng gọi độc lập. Điều này khiến cho người bạn tình bối rối, không hiểu mình đã làm gì phật lòng chàng. Cho nên, khi người chồng trở lại trạng thái thân mật, người vợ thường chờ ở anh ta một lời giải thích, trong khi người chồng chẳng có gì để giải thích cả. Thế là người vợ đinh ninh chồng không muốn chia sẻ với mình. Không ít bà vợ vì thế mà khó chịu: “Tại sao anh ấy còn không chịu chia tay khi chẳng hề yêu tôi? Anh ấy quay đi khi tôi cần anh ấy. Anh ấy lạnh lùng khi tôi nồng nhiệt. Tôi không thể chịu đựng được nữa”.
Có người vợ trẻ vì giận chồng đã bỏ về nhà mẹ ruột chơi một ngày. Chị cứ tưởng tối về thể nào chồng cũng trách cứ, nào ngờ về đến nhà lại thấy anh chồng còn tươi tỉnh hơn. Hóa ra, người vợ trở về đúng lúc anh chồng đã quay lại sự quan tâm với vợ.
Vì thế, phải chấp nhận một thực tế là cả vợ lẫn chồng đều chỉ cảm thấy yêu thương người bạn đời thật nhiều khi trong lòng thoải mái, vui vẻ. Lúc bực tức, căng thẳng, họ cau có cũng là bình thường. Cuộc sống lúc vui lúc buồn đã kéo theo cái chu kỳ tình cảm lúc thương lúc ghét là vậy.
Vậy có nguyên tắc nào để chấp nhận sự thật đó? Anh Lý Mạnh Tường (một biên tập viên nhà xuất bản) có cách “ứng phó” khá hay: “Tôi cho rằng chả có ai mà ngày nào cũng yêu nhau hết mình, vui vẻ với nhau trọn ngày, trọn tuần hay trọn tháng được. Chúng ta nên chấp nhận nguyên tắc xem nhau như “bạn tình” mới có thể kéo dài mối quan hệ. Tức là phải chấp nhận sự giận dỗi, gần rồi lại như xa cách, cách xa rồi lại gần bên nhau. Điều quan trọng nhất là nếu một bên đang trong tình trạng “khủng hoảng tình cảm”, thì bên kia phải chịu khó nhường nhịn, đừng châm dầu vào lửa và ngược lại. Lúc vợ (chồng) có khó chịu về bạn đời của mình đến mấy, cũng cần kiểm soát mình, đừng làm gì quá trớn để rồi “khi con tim đã vui trở lại” thì bạn đời đã “bỏ của chạy lấy người” hoặc bị tổn thương nghiêm trọng, khó làm hòa”.
(theo PNO)