Mua laptop – Nên “chất vấn” người bán như thế nào?
Tuesday, November 2, 2010 15:52
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Chắc hẳn đã một đôi lần bạn bước vào một cửa hàng tin học và đối diện với hàng “núi” laptop trước mặt. Dù trước đó bạn có xác định mục tiêu cụ thể nào đi chăng nữa thì cũng không khỏi không rối trí trước số lượng đông đảo sản phẩm điện tử này. Và sau một thoáng “bồi hồi” ban đầu, bạn sẽ được đón tiếp bởi một nhân viên bán hàng nhanh nhạy, lễ phép và “rất khéo miệng”. Để rồi sau đó, bạn quyết định mua một chiếc laptop khác xa hoặc ít nhất là không nhiều điểm trùng với mục đích ban đầu.
Đó không phải là tình huống hiếm gặp khi dạo quanh một vòng các shop tin học, siêu thị máy tính… hiện nay. Vậy nên làm thế nào để không bị rơi vào vòng hút của các salesman (nhân viên bán hàng) cũng không phải là một chuyện đơn giản. Tuy nhiên, cũng có một số cách giúp những người có ý định mua laptop lần đầu hay lần thứ “n” có thể giữ được thế chủ động. Vấn đề quan trọng là ở chỗ bạn sẽ dùng chính những câu hỏi để người bán hàng trả lời thay vì để họ dồn vào chân tường như vẫn thường thấy.
Câu hỏi 1: Chip xử lý này như thế nào?
Đây được đánh giá là một trong những câu hỏi xuất hiện nhiều nhất tại bất cứ cửa hàng bán laptop nào tại bất cứ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào trên thế giới này. Và tất nhiên, người bán sẽ không thể không trả lời câu hỏi “đơn giản” như thế này được. Tuy nhiên, hãy chú ý đến câu trả lời của họ.
Bạn hãy luôn nhớ rằng tại thời điểm hiện tại, một con chip yếu nhất cho bất kỳ MTXT nào cũng phải từ Intel Core 2 Duo trở lên. Hãy ghi nhớ thật kỹ điều này! Bởi không hiếm các trường hợp đã cảm thấy bị lừa dối khi rước về phải một chiếc laptop mới “coóng” nhưng BXL chỉ là Pentium IV từ thời nào.
Câu hỏi 2: RAM bao nhiêu?
Ngoài chip xử lý thì có lẽ RAM là thiết bị ưu tiên số 2 mà tất cả chúng ta đều quan tâm đến. Một chiếc laptop có BXL cực mạnh nhưng lại sở hữu một số lượng RAM khiêm tốn thì cũng thật là một sự phí phạm vô cùng. Hãy luôn nhớ rằng chiếc laptop tương lai của bạn phải chạy được cấu hình tối thiểu của Windows Vista mượt mà, tức là sở hữu từ 2GB trở lên tại thời điểm hiện tại. Bất kỳ lý do nào từ nhân viên bán hàng “giải thích” cho sự cố 1GB đều không đáng cân nhắc!
Câu hỏi 3: Kích thước màn hình và trọng lượng máy?
Việc đo đếm hay ước lượng kích thước đường chéo của màn hình không phải lúc nào cũng dễ dàng và thuận tiện. Do vậy nên nếu muốn chọn được một chiếc laptop có màn hình vừa ý thì bạn “nên” và “cần” hỏi chính nhân viên bán hàng. Tùy vào mục đích sử dụng của bạn nhưng thông thường thì màn hình 12”-14” phù hợp cho nhu cầu chỉ lướt web + văn phòng. Với những người thích chơi game bằng MTXT thì một màn từ 15” trở lên luôn được đánh giá cao. Hãy nhớ bạn chọn kích thước màn hình do nhu cầu của mình chứ không phải theo lời “tư vấn” có cánh của nhân viên.
Trọng lượng máy cũng là một yếu tố mà chúng ta đáng quan tâm ở đây, đặc biệt với những ai có đặc thù phải di chuyển nhiều. Một câu hỏi kỹ lưỡng về trọng lượng bản thân của máy tính chẳng thừa chút nào nhưng lại rất hữu dụng sau này. Hãy cố gắng hỏi chi tiết nhất có thể như máy này nặng bao nhiêu, có bao gồm cả pin hay không…
Câu hỏi 4: Nâng cấp ra sao?
Nếu như đã ngó đi nhìn lại nhiều nơi mà không thể tìm được cho mình một chiếc laptop ưng ý thì bạn cũng nên tính đến chuyện nâng cấp một chiếc MTXT…mới cứng. Đừng ngần ngại khi hỏi nhân viên bán hàng về điều này. Những câu hỏi chẳng hạn như: “con máy này có thể gắn thêm 1 thanh RAM 2GB nữa không?” là một dạng rất phổ biến và người bán buộc phải trả lời điều này. Hoặc như nếu có nhu cầu biên tập các đoạn video thì một chiếc laptop cần port Firewire hay card reader? Đôi khi chính những câu hỏi như thế này sẽ giúp bạn tìm được một chiếc máy ưng ý mà mình đã mất công tìm kiếm bấy lâu nay.
Câu hỏi 5: Chính sách bảo hành như thế nào?
Bảo hành đồ điện tử nói chung hay MTXT nói riêng vốn đã trở thành một điều vô cùng khó giải quyết đối với khách hàng Việt Nam xưa nay. Đặc biệt là khi có nhiều hãng buôn bán laptop đã đặt lợi ích riêng của mình lên trên quyền lợi của khách hàng thì vấn đề bảo hành lại cần đáng quan tâm hơn.
Chiếc máy này được nhà sản xuất bảo hành 1 năm, 3 năm hay 5 năm? Họ có chính sách bảo hành trọn đời hay không? Bao nhiêu điểm chết thì được đổi mới sản phẩm? Trong trường hợp nào thì được áp dụng điều kiện bảo hành?… Bạn nên cố gắng hỏi nhân viên bán hàng càng chi tiết càng tốt vì đó là quyền lợi và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích lâu dài của bạn nhằm tránh những tình huống dở khóc dở cười khi chiếc “lap yêu” của mình cần bảo hành.
Câu hỏi 6: Phần mềm đi kèm máy như thế nào?
Thông thường điều này có vẻ rất đơn giản và không mấy quan trọng đối với khách hàng ở Việt Nam nhưng lại vô cùng được chú ý nếu như đó là thị trường Hoa Kỳ hay Châu Âu. Bởi lẽ thông thường giá cả laptop bao gồm cả giá hardware (phần cứng) và software (phần mềm) nhưng chúng ta thường chỉ quan tâm đến yếu tố thứ nhất. Tuy không phải sản phẩm nào cũng được cài đặt đầy đủ các phần mềm như HĐH Windows, Microsoft Office… nhưng hãy cố gắng hỏi thật rõ ràng vì đó hoàn toàn là quyền lợi của bạn.
Đừng ngại hỏi vì đó là quyền lợi của bạn và là cách tốt nhất để “bảo vệ” chính bạn! Tuy nhiên nên chú ý rằng mỗi câu hỏi có thể tùy tình huống cụ thể mà khác nhau.
Theo PLXH