Điều đáng nói là những năm đầu thời kỳ đổi mới, mỹ thuật VN đã nắm bắt được ngọn nguồn tươi mới và sáng tạo, nhất là trong mảng mỹ thuật dân tộc, thì càng về sau, những người làm mỹ thuật trẻ ào ạt chọn những hình thức nghệ thuật mới như pop art hoặc là sắp đặt và trình diễn, video art, mà những hình thức này chỉ mới được tiếp cận trên thông tin cóp nhặt là chính chứ chưa có những cơ sở lý luận vững chắc. Tính chuyên nghiệp của nghệ sĩ đương đại cũng vì thế được nhận định là yếu, tác động không nhỏ tới hình ảnh năng động, có chất lượng của mỹ thuật VN đương đại.
Chúng ta vẫn có quyền hy vọng vào các họa sĩ trẻ VN, họ muốn có những loại hình nghệ thuật giúp họ bộc lộ được cảm xúc của xã hội đương đại mà họ đang sống. Nếu chúng ta giật mình trước con số hơn 5.000 họa sĩ VN với công việc chính là kẻ vẽ, vẽ bìa sách, vẽ quảng cáo thì cũng có thể hy vọng về 200 họa sĩ bán được tranh và tự hào về 20 họa sĩ giàu có vì bán tranh. Nhưng không vì thế mà có thể phủ nhận thực tế như họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, nguyên Phó GĐ Bảo tàng Mỹ thuật VN nhận định: “Trên thị trường tranh VN, các tác phẩm chủ yếu nghiêng về thương mại mà thiếu chú ý tới chất lượng. Việc xây dựng một thị trường tranh nội địa cũng là một vấn đề nhức nhối, bởi muốn nghệ thuật phát triển thì cần phải có sự quan tâm của chính người dân bản địa, vì chính họ là tác nhân quan trọng giữ gìn và quảng bá nghệ thuật của người Việt. Việc không có thị trường nội địa sẽ làm chậm sự công nhận ở quốc tế đối với nghệ thuật VN”. Hơn bao giờ hết, ngay lúc này, vấn đề trọng tâm của những nhà quản lý mỹ thuật là ngăn chặn hiện tượng “chảy máu chất xám” của mỹ thuật VN.
“So về chuyên môn nghệ thuật, hội họa VN được đánh giá cao hàng đầu khu vực”, họa sĩ Đặng Xuân Hòa, một trong những họa sĩ có số tranh ở các bộ sưu tập nước ngoài với giá cao nhất hiện nay phản bác lại ý kiến tranh Việt đang rớt giá và cũng theo họa sĩ này, “giá tranh Việt không thể tăng lên nếu không có những nhà đầu tư trong nước”. Đó phải chăng là một gợi dẫn có tính mở vì một nền mỹ thuật đương đại Việt Nam đang khao khát được vươn cao. Việc sớm hình thành các trung tâm hoặc hãng đấu giá tranh nghệ thuật trong nước, việc tìm được điểm gặp gỡ, trao đổi nghệ thuật, thể nghiệm sự sáng tạo của những họa sĩ trẻ, những người yêu hội họa và nhất là các chuyên gia thẩm định tác phẩm mang tính pháp lý là những hoạt động kết hợp mang lại hiệu quả cao, tạo được niềm tin cho khách khảo cứu tranh, mua tranh hay đơn giản chỉ là thưởng thức tranh.
Hơn tất cả những giải pháp trên, tinh thần tự học, dám thể nghiệm, dấn thân là điều cần có ở các họa sĩ VN để mỹ thuật nước nhà có bản sắc riêng trong nền mỹ thuật đương đại thế giới.