Những tháng gần đây rộ lên tin đồn loại cây kim cương chữa bệnh rất tốt nên được mua với giá cao, 520.000 – 650.000 đồng/kg khiến nhiều người địa phương đổ xô vào rừng săn tìm. Theo những chủ đầu nậu, cây kim cương được thu gom rồi bán sang Trung Quốc và Đài Loan. Cây kim cương thực tế là cây lan gấm hay còn gọi là cây thạch tằm. Tên khoa học là Anoechilus roxburglihayata, thuộc họ lan (Orchidaceae).
Bộ phận dùng là toàn cây – Herba Ludisiae Discoloris. Được thu hái toàn cây quanh năm, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Theo Đông y, lan gấm có vị ngọt, hơi chát, tính mát, có tác dụng tư âm nhuận phế, làm mát phổi, mát máu sinh tân dịch, tiêu viêm, lọc máu. Do đó, trong Đông y, lan gấm được dùng để chữa lao phổi, khô phổi, ho, khạc ra máu, thần kinh suy nhược chứ không phải để chữa tim mạch hay ung thư như mọi người vẫn đồn đại.
Còn theo một số chuyên gia có nói rằng ở Đài Loan, cây lan gấm là một loại cây nổi tiếng vô cùng quý giá, có bán tại các tiệm thuốc Bắc hoặc dùng trong nhân dân. Cây lan gấm có tác dụng làm tăng cường sức khỏe và lưu thông khí huyết. Ngoài ra, người ta còn dùng cây này để chữa thần kinh suy nhược, chữa ho khan, đau họng, cao huyết áp, suy thận, chữa di tinh, đau lưng, phong thấp, làm tiêu đờm, giải độc, giải nhiệt, chữa các bệnh viêm khí quản, viêm gan mạn tính.
Ở nước ta, cây lan gấm được dùng cả cây tươi hoặc khô để sắc uống. Liều dùng trong ngày khoảng 20g tươi hoặc 5g khô. Dùng ngoài là cả cây tươi giã nát đắp lên chỗ vết thương sưng đau.
Dùng chữa lao phổi, khạc ra máu; thần kinh suy nhược, chán ăn: cây lan gấm 2 – 10g, sắc ngày 1 thang, chia 3 lần uống.
Chữa phổi kết hạch, khạc ra máu và thần kinh suy nhược, kém ăn, ít ngủ, tinh thần suy sụp: Dùng lan gấm 20 – 40g, mạch môn 20g, huyền sâm 20g, ngưu tất 20g, quyết minh tử (sao) 20g, hoài sơn 20g, sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Trong dân gian còn dùng cây lan gấm sắc uống chữa đau dạ dày.
Như vậy, để mọi người hiểu rõ về loại cây này, mong rằng các cơ quan khoa học cần vào cuộc để có kết luận khoa học đúng đắn nhất về giá trị của cây kim cương, thông qua đó bác bỏ được sự đồn đại vô căncứ.
BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI
(theo suckhoedoisong)