Về Hieronymus Bosch
Hieronymus Bosch (1450 – 1516) là một họa sĩ người Hà Lan theo phong cách “hậu Gothic”, được biết đến như là đại diện Bắc phái của thời kỳ văn nghệ tiền Phục Hưng. Ông nổi tiếng với những tác phẩm kỳ dị và ma quái. Nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung từng gọi Bosch là “bậc thầy của sự kỳ quái.”
Họa sĩ kiệt xuất Bosch đứng ngoài phong cách truyền thống Flemish thịnh hành thời bấy giờ. Phong cách của ông rất đặc sắc, ấn tượng, tự do kèm theo chủ nghĩa tượng trưng cộng với sự chói lọi đến khó tin và vẫn còn xuất sắc cho đến tận ngày nay. Lúc Bosch qua đời, ông được quốc tế coi là họa sĩ kỳ quặc với những linh ảnh trong tôn giáo và đặc biệt yêu thích đề tài ‘địa ngục’ ghê sợ. Khi còn sống, những tác phẩm của Bosch nằm trong bộ sưu tập của những gia đình quyền quý tại Hà Lan, Áo và Tây Ban Nha. Những họa sĩ khác sau đó đã kế thừa phong cách của ông trong rất nhiều tác phẩm vào thế kỷ 16, đặc biệt trong các tác phẩm của ‘họa sĩ già’ Pieter Bruegel.
Người ta biết rất ít về Bosch, và điều này cũng phần nào phù hợp với phong cách bí ẩn trong các tác phẩm của ông. Bosch dành cả sự nghiệp nghệ sĩ của mình trong thị trấn nhỏ Flemish thuộc Hertogenbosch, nơi ông lấy tên. Ông thuộc về một cộng đồng tôn giáo ‘siêu chính thống’ gọi là ‘Hội huynh đệ thánh Mary’ (The Brotherhood of Mary). Nhiều bức tranh của ông mang tính chất sùng đạo, và vài bức khác được sáng tác dựa trên chủ đề chịu khổ hình của Jesus. Bosch cũng vẽ vài tác phẩm dùng để thờ phượng trong Nhà thờ lớn thánh John, Hertogenbosch, nhưng hầu hết đã bị thất lạc. Ông có lẽ chưa từng rời xa nhà, mặc dù từng được nhận nhiệm vụ từ vua Philip của xứ Castile để vẽ một tác phẩm “Ngày phán xét cuối cùng” (Final Judgement).
Tác phẩm bộ ba Haywain (1485 – 1490)
Bức bên trái: Vườn địa đàng.
Bức trung tâm: Trái đất – Cỗ xe ngựa chất đầy cỏ khô tượng trưng cho tội lỗi, thứ mà thế giới tham lam đang cố gắng giành giật lấy.
Bức bên phải: Địa ngục – ma quỷ đang kéo cỗ xe ngựa và con người xuống địa ngục.
Một ‘tác phẩm bộ ba’ (triptych) bao gồm ba bức tranh, một ở trung tâm, là bức lớn nhất, hai bức nhỏ hơn ở hai bên, thường được sử dụng làm tranh thờ phượng (altarpiece [1]).
Đề tài ‘tội lỗi và trừng phạt’ là trọng tâm trong tất cả các tác phẩm của Bosch. Ngoài tác phẩm “Khu vườn hưởng lạc trần tục” (“The Garden of Earthly Delights”), tác phẩm “The Haywain” (1485-90; Prado, Madrid) là một tác phẩm bộ ba khác bao gồm sự diễn biến tương tự về tội lỗi trong các bức tranh, từ Vườn địa đàng tới địa ngục. Bức tranh trung tâm đại diện cho tội lỗi thông qua ẩn dụ về cỗ xe ngựa lớn chở cỏ khô, thứ mà thế giới tham lam đang giành giật lấy. Cùng lúc ấy, ma quỷ đang kéo cỗ xe sang bức tranh phía bên tay phải – một trong những mô tả đầu tiên của Bosch về địa ngục.
Chúa xuất hiện ở phần trên cùng của bức tranh “Vườn địa đàng”, với một khối cầu trong tay biểu tượng cho vũ trụ. Ba cảnh bên dưới thể hiện “Sự sáng tạo ra Eve,” “Ăn trái cấm” và “Adam và Eve bị trục xuất khỏi Vườn địa đàng” theo thứ tự thời gian. Những tác phẩm thời tiền Phục Hưng sử dụng một kỹ thuật điển hình là tả cảnh theo thứ tự thời gian để chúng có thể được ‘đọc’ như một câu chuyện.
Tác phẩm “Haywain” (‘Hay Wagon’ – cỗ xe chở cỏ khô) của Bosch đi thẳng vào câu ngạn ngữ Flemish: “Thế giới là một đống cỏ khô, và người ta cố gắng nhổ lấy càng nhiều càng tốt.” Đống cỏ khô là một ẩn dụ về danh, lợi và dục vọng trần tục – chúng thật phù du, suy đồi và vô nghĩa. Ma quỷ đang khai thác sự truy cầu dục vọng của con người để kéo họ xuống địa ngục.
Tại bức tranh trung tâm, những người đàn ông và đàn bà đang xúm quanh cỗ xe chất đầy cỏ khô, tranh giành nhau để lấy một ít cỏ khô với tất cả khả năng và dụng cụ của họ. Họ đi xa tới mức giết hại cả người khác chỉ để lấy một nhúm cỏ. Một nhóm thầy tu và bà xơ ở phía dưới cùng góc bên phải đã lấy được một bao cỏ. Vài người trong số họ đang phân chia và tích trữ cỏ, trong khi những người khác đã thưởng thức cỏ. Thậm chí cả nhà vua, giám mục và nhà quý tộc cũng đang lo lắng đuổi theo ở phía bên phải cỗ xe. Không ai nhận ra rằng ma quỷ đang kéo cỗ xe xuống địa ngục (sang bức tranh bên tay phải). Tranh của Bosch đã minh họa một cách vô cùng xuất sắc câu ngạn ngữ Flemish.
Liệu có ai trên thế giới này có thể cưỡng lại được sự cám dỗ của cỏ khô? Người ta có thể nghĩ rằng người nhạc sĩ và đôi tình nhân ngồi bên trên cỗ xe dường như không tiếp thụ sự cám dỗ trần tục, nhưng khi nhìn kỹ thì người ta trông thấy một con quỷ màu trắng, có cánh đang chơi một chiếc sáo. Một con quỷ khác đang ẩn đằng sau cái cây với một chiếc gậy móc dài, biểu thị cho sự dâm dục. Có lẽ Bosch ám chỉ rằng tất cả dục vọng của con người, thậm chí cả những thứ dường như “ở ngoài dục vọng” (ở bên trên đống cỏ) như là tình yêu hay âm nhạc, cũng là một chấp trước có thể bị lợi dụng bởi ma quỷ. Dù đáng sợ và bi quan, bức tranh cũng vẫn thể hiện sự từ bi của Thần. Một thiên thần với đôi cánh đang quỳ xuống bên cạnh người nhạc sĩ, trông rất nghiêm trọng và vô vọng khi nhìn lên đức Chúa trời, như muốn cầu xin Chúa cứu độ con người.
Cũng giống như bức “Khu vườn hưởng lạc trần tục”, bức tranh bên phải của “Haywain” miêu tả hình ảnh địa ngục mà Bosch đã nhìn thấy. Bầu trời đỏ thẫm mang theo bầu không khí sợ hãi và đau đớn. Vài kẻ tội lỗi đang bị ma quỷ lùng bắt và nhai ngấu nghiến. Vài kẻ khác bị lùa vào những tháp cao chứa đầy tội nhân. Một cái giá treo cổ nằm bên trên ngọn tháp kèm theo thi thể bị treo lên của một kẻ tội lỗi bị hành quyết.
Bosch thuộc cộng đồng ‘Hội huynh đệ thánh Mary’, một giáo phái quan tâm đặc biệt đến chủ đề ‘Ngày phán xét cuối cùng’, ‘sự đọa đày vĩnh viễn’ và ‘sự tràn ngập của ma quỷ’. Rõ ràng là Bosch không vẽ ma quỷ và địa ngục để tán dương sự tồn tại của ma quỷ. Ngược lại, những tác phẩm của Bosch cố gắng nói với mọi người rằng ‘thiện hữu thiện báo, ác giả ác báo.’ Qua đó, ông khuyên nhủ con người trọng đức hành thiện và đi theo sự chỉ dẫn của Thần.
Chú thích:
[1] altarpiece: Một tác phẩm điêu khắc hay bức hình họa được chạm khắc lên phần tường phía trên bệ thờ của Nhà thờ Cơ Đốc giáo, nơi đám đông cầu nguyện. Những tác phẩm này khác nhau rất lớn về kích cỡ và khái niệm, từ những bức tranh nhỏ có thể mang theo đến những kiến trúc lớn, gắn với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Những altapiece theo truyền thống được đặt lên bệ thờ, nhưng cũng thường được tìm thấy ở đằng sau hay thậm chí bên trên bệ thờ. Những altapiece thường miêu tả đức Chúa trời, thánh Mary hay các vị thánh, với hai bức ở bên thể hiện khung cảnh liên quan tới cuộc sống của nhân vật trung tâm. Những bức tranh này được trình bày theo thứ tự thời gian và có thể được ‘đọc’ như một câu chuyện.
(theo chanhkien)