Tối hậu thư mà em để lại cho anh đó là: Nếu trong một tuần, anh không thu xếp được thì vợ chồng mình đường ai nấy đi.
Cũng may là bố mẹ đang về quê giỗ cụ, nếu không thì anh không biết bố mẹ sẽ phản ứng với việc này như thế nào?
Em và con đi rồi, cửa nhà trống vắng. Đó cũng là lúc anh có thời gian để bình tĩnh và suy nghĩ kỹ về những điều em nói.
Nhưng em ạ, có khi nào em ngồi xem xét lại bản thân mình không? Em có nhận thấy bản thân em đã thay đổi quá nhiều không? Còn nhớ ngày mới về làm dâu, em cung kính vâng lời bố mẹ, chu toàn việc gia đình là thế. Ngay cả một người khó tính như mẹ mà đi đâu cũng phải khen nhà có phúc nên cưới được cô con dâu thảo hiền, đảm đang.
Nghe những lời đó, dù không nói ra nhưng anh cũng rất hãnh diện, tự hào. Nhưng rồi khi bố mẹ bắt đầu dành những tình cảm cho em thì em lại thay đổi. Bắt đầu từ sự chệch choạc trong việc bếp núc, từ lời ăn tiếng nói và cả những phản ứng thái quá trước mặt bố mẹ. Mẹ nhắc nhở thì em quạu cọ rằng em không có nhiều thời gian. Quan hệ giữa mẹ và em có phần căng thẳng từ đó. Nhưng mọi việc sẽ khác nếu em có thái độ cầu thị và sửa sai, đằng này em lại phó mặc cho mẹ và xem việc bếp núc chẳng liên quan gì đến em nữa. Rồi đến thói quen xem phim khuya của em nên sáng ra không dậy sớm được để đưa con đến trường đúng giờ. Buổi chiều, bà đến đón cháu, cô giáo nhắc phải đưa cháu đến đúng giờ để ăn sáng rồi tập thể dục cùng các bạn, bà về nói lại, em dạ vâng nhưng rồi vẫn chứng nào tật ấy. Em còn kêu ca là bà xét nét và để ý khiến em “khó thở”.
(theo PNO)