Thậm chí, ông Do Huyn Han phía Hàn Quốc còn lạc quan cho rằng, mô hình gia đình truyền thống, chung thủy một vợ một chồng và bữa cơm gia đình sum vầy vui vẻ đang trở lại mạnh mẽ. Ông cho biết, hai năm qua, tỷ lệ ly hôn ở Seoul giảm dưới hai con số. Điều này có vẻ ngược với một logic thông thường là mọi tổ chức xã hội và đời sống con người sẽ bị đảo lộn, rối tung lên trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Vậy lý giải chuyện này như thế nào?
Chuyện có thể là, các đại gia lâu nay sống trên trời với thu nhập ngất ngưởng, lên xe xuống ngựa, ồn ào với những bữa tiệc tùng sang trọng, lúc nào cũng có kẻ đưa người đón; còn với người trung lưu, chí ít cũng rủng rỉnh tiền trong túi, tài khoản trong ngân hàng và cổ phiếu liên tục lên giá. Nhưng trong cơn đại hồng thủy kinh tế, họ mới thấy mọi giá trị bị đảo lộn hết, công ty phá sản, ghế bị mất, cổ phiếu trở thành giấy lộn, chiến hữu chẳng còn mấy ai, các nàng chân dài bỏ đi không ngoái đầu. Và chính lúc này, các đại gia mới thấm thía lời dạy của cố nhân phương Đông: “Gia đình là hầm trú ẩn cuối cùng”. Còn học giả phương Tây nổi tiếng Alvin Toffler trong tác phẩm Cú sock tương lai nhấn mạnh: “Gia đình là bộ giảm xóc vĩ đại của xã hội luôn biến động và nhảy nhót”. Quả đúng như vậy, ngoài xã hội dẫu có chuyện gì xảy ra, nhưng nếu còn gia đình, thì còn có chỗ mà về, có cơm mà ăn và với nhiều người, thì vợ con là người duy nhất còn lại sau cùng, ngồi bên cạnh, lau nước mắt an ủi cho người “anh hùng” mạt vận. Trong cơn bĩ cực mới thấy hết giá trị thật của gia đình.
Cũng do làm ăn thất bát mà nhiều đại gia và công chức cao cấp mới có thời gian rảnh để chăm sóc con cái, có thời gian cùng gia đình đi du lịch đây đó, trước là tránh “bão”, sau là lấy lại sự thăng bằng. Chính những lúc ấy, mọi người mới có dịp gần gũi nhau, ngồi bên nhau xem lại những cuốn album ngày cưới đã ố vàng, cùng nhau ôn lại kỷ niệm ngày xưa tưởng đã vĩnh viễn trôi vào quên lãng, và tình yêu được hâm nóng trở lại. Nhìn mái nhà và những đứa con, nhiều người mới ngộ ra là, trong lúc kinh tế hưng thịnh, tiền bạc chảy vào như nước, mọi chuyện hanh thông làm cho người ta dễ quên đi những giá trị sống thật giản dị. Đó đôi khi chỉ là những phút vợ chồng ngồi bên nhau ngắm nhìn các con nô đùa, uống trà cùng nhau vào mỗi buổi sớm, nói chuyện với hàng xóm qua hàng rào phân cách. Những nữ doanh nhân cũng có dịp trở lại vai trò nội trợ chăm sóc chồng con khi không còn tiền thuê người giúp việc nữa. Họ hình như cũng dịu dàng hơn và đẹp lên trong mắt chồng con. Thật thú vị khi biết rằng ở Tây Ban Nha, một trong số các hàng hóa bán được số lượng nhiều trong thời khủng hoảng chính là dụng cụ làm vườn. Việc họ tự trồng rau, trái không chỉ đơn thuần là vì kinh tế mà cái chính là họ có thời gian và công việc để chia sẻ cùng nhau.
Cách nay hàng trăm năm, các nhà tư tưởng đã phát hiện ra một điều tưởng rất hiển nhiên nhưng lại vô cùng hệ trọng: mái ấm gia đình là tổ chức bền vững nhất, lâu dài nhất, bất chấp mọi biến động của xã hội. Thể chế chính trị này sụp đổ, thể chế khác lên thay, mọi nền kinh tế đều có chu kỳ hưng thịnh và khủng hoảng, còn gia đình là một giá trị bất biến. Có một thực tế là, dù trong thời chiến cũng như thời bình, khi xã hội càng khủng hoảng, càng rối loạn thì vỏ bọc gia đình càng vững chắc.
Thật có lý khi người Trung Quốc thường nói: “Họa trung hữu phúc”, trong họa có phúc, trong rủi có may. Nhờ có khủng hoảng kinh tế mà gia đình có cơ hội bền vững hơn. Tuy nhiên, đấy là chuyện người ta, còn không biết ở Việt Nam sau ba năm khủng hoảng kinh tế gia đình có bền vững hơn hay rệu rã đi? Hy vọng trong những ngày đầu năm mới, chủ đề này được các chị mang ra bàn luận trong lúc nhằn hạt dưa, nhưng nếu đúng là gia đình có dấu hiệu tốt hơn lên trong suy thoái kinh tế thì cũng mong các chị không vì điều “may” này mà ước cho khủng hoảng kinh tế… kéo dài thêm nữa.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa
(theo phunuonline)