Hành và tỏi không chỉ là hai loại gia vị quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày mà còn là vị thuốc rất hay, theo lương y Như Tá.
Trị cảm sốt, đau đầu: Lấy 4-5 củ hành ta để cả rễ, xắt nhỏ, 50g gạo loại ngon, một ít gừng tươi giã nhuyễn đem nấu cháo loãng, nêm nếm gia vị, một ít tiêu bột, giấm ăn. Dùng cháo này để chủ trị cảm sốt, đau đầu, đau sau gáy, ho. Nên dùng lúc cháo còn nóng.
Dân gian thường dùng hành làm món ăn khai vị, mục đích là để kích thích ăn ngon miệng, và giúp dạ dày tiêu hóa tốt sau khi ăn. Dân gian cũng hay dùng củ hành ta nấu cháo loãng để trị cảm cúm do thời tiết.
Nhưng, lưu ý thường người ta kỵ dùng cùng lúc hành với mật ong.
Công dụng của tỏi
Trị cúm, sổ mũi, nhảy mũi: Dùng củ tỏi bóc bỏ vỏ ngoài, giã nhuyễn, cho vào một ít rượu hoặc nước chín ngâm một lát rồi khuấy đều, dùng nước này nhỏ vào mũi và ngậm trong miệng mỗi ngày 2-3 lần. Hoặc ăn vài tép tỏi sống ngâm với giấm (ngâm khoảng 1 tháng).
Nếu bị đau bụng do trúng khí lạnh, có thể lấy củ tỏi, bóc vỏ, giã nhuyễn hòa với giấm ăn, rồi gạn lấy nước này uống. Dân gian còn dùng củ tỏi (loại lớn), bóc vỏ ngoài, giã nhuyễn đem đắp vào gan bàn chân và nằm nghỉ để trị tiêu chảy.
Chữa chứng đầy bụng khó tiêu: Lấy một vài tép tỏi đem ép lấy nước, bỏ bã rồi pha với nước chín để dùng trong ngày. Hoặc dùng tỏi giã nhuyễn ngâm với rượu trắng (ngâm độ hai tuần). Dùng mỗi ngày 2 lần, mỗi lần độ 10-15 ml.
Phụ nữ sau khi sinh mà bị trúng phong, thì dùng củ tỏi khoảng 30 tép đem nấu với 3 chén nước, nấu còn lại 1 chén nước, dùng nước này uống từ từ.
Bị đau răng, lấy một vài tép tỏi giã nát rồi đem xát vào chỗ đau, đó cũng là cách dân gian hay sử dụng.
(Theo Afamily)