Nhiều chuyên gia về tim mạch cho rằng ăn tỏi là biện pháp tự nhiên và đơn giản nhất nếu muốn hạ cholesterol trong máu xuống khoảng từ 10 – 15%, một số người có đáp ứng tốt với tỏi, tỷ lệ này có thể đến 25 – 30%. Bác sĩ Piotrowski ở đại học Geneve (Thuỵ Sĩ) qua nghiên cứu trên 100 bệnh nhân cao huyết áp cho biết huyết áp của họ bắt đầu hạ sau một tuần điều trị với dầu tỏi. Ông cho rằng tỏi hạ huyết áp bằng cách làm nở mạch, qua đó làm giảm các triệu chứng như đau ngực, chóng mặt, nhức đầu. Một nghiên cứu khác của nhóm nhà khoa học Ấn Độ trên những người khoẻ mạnh cho dùng khoảng 2 ounce (khoảng 57g) tỏi, hoặc lượng chất chiết xuất tỏi tương đương, cũng ghi nhận cholesterol giảm trung bình từ 229 xuống còn 213 trong ba giờ đồng hồ. Một báo cáo của các nhà khoa học ở đại học New York (Mỹ) cũng cho biết những người ăn hàng ngày từ một nửa đến một củ tỏi trong từ 8 – 24 tuần có thể hạ cholesterol xuống khoảng 9%. Khảo sát chung về ảnh hưởng của chế độ ăn uống có dùng tỏi đối với bệnh tim mạch đã phổ biến trên tạp chí Science News cho biết thêm, những người hay ăn tỏi giảm được 32% các cơn đau thắt ngực và giảm khoảng 45% nguy cơ tử vong do bệnh tim so với người không ăn tỏi.
Mặc dù có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ nhưng tỏi có tính nóng và tác dụng hành khí mạnh nên có thể gây phản ứng phụ, kể cả tăng huyết áp trong một số trường hợp nếu dùng sai chỉ định. Người đang có thai, người có thể tạng nhiệt, đang nóng sốt, nhiễm trùng chân răng, viêm xoang, nhất là khi dùng rượu tỏi hoặc những viên thuốc tỏi dài ngày, phải rất thận trọng. Tỏi cũng có thể gây dị ứng làm ngứa ngáy, nổi mẩn ở một số người. Người sắp phẫu thuật không nên dùng tỏi vì tỏi có thể làm thay đổi tác dụng các thuốc chống đông máu dùng trong giải phẫu. Một số nghiên cứu còn cho biết dùng tỏi có thể gây phản ứng phụ nguy hiểm với người đang điều trị HIV/AIDS. Khi dùng tỏi phối hợp với thuốc, cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.
Vài cách dùng tỏi làm thuốc
Rượu tỏi giảm mỡ máu, hạ cao huyết áp: dùng 300g tỏi, bóc vỏ và xắt lát mỏng, ngâm trong 600g rượu trắng khoảng 40o. Sau hai tuần, chắt rượu ra dùng. Mỗi ngày hai lần, mỗi lần từ 15 – 20 giọt. Sau khi dùng hai hoặc ba tuần nên theo dõi huyết áp để giảm dần liều xuống đúng liều duy trì. Ngưng dùng rượu tỏi khi có triệu chứng viêm nhiễm cấp tính xảy ra.
Ăn bao nhiêu tỏi là vừa? Cách dùng tỏi an toàn nhất là dùng như một gia vị kèm theo bữa ăn. Để giảm cao huyết áp, người bệnh cần khoảng 10.000mcg allicin mỗi ngày. Liều này tương đương với bốn tép tỏi cỡ trung bình hoặc 4g tỏi. Cũng nên biết rằng, điều trị cao huyết áp hoặc phòng chống các loại bệnh tim mạch cần phải phối hợp với chế độ ăn nhiều chất xơ, ít chất béo bão hoà trong các loại thịt động vật và năng vận động, chứ không chỉ dựa vào một bài thuốc nhất định, kể cả tỏi. |
Cơm tỏi gạo lức chữa phù thủng, cao huyết áp: lấy một chén gạo lức, một chén đậu xanh cà còn vỏ, từ ba đến năm tép tỏi. Nấu cơm trộn đậu xanh. Khi cơm vừa cạn, trộn đều vào cơm số tép tỏi đã cắt mỏng. Ăn cơm với chuối chín, giảm tối thiểu muối hoặc nước mắm. Ăn liên tục từ 10 – 15 ngày. Đây là phương thuốc hữu hiệu cho nhiều chứng bệnh liên quan đến hội chứng chuyển hoá như béo phì, tiểu đường, tim mạch.
Bài thuốc tỏi, đậu trắng chữa cao huyết áp: dùng 100g tỏi và 100g đậu trắng. Bóc vỏ tỏi, thái mỏng và vo sạch đậu. Nấu nhừ tỏi và đậu với khoảng hai lít nước. Không dùng lò vi sóng để tránh làm giảm hoạt chất của tỏi. Chia làm hai hoặc ba lần, ăn cả cái lẫn nước trong một ngày. Dùng mỗi tháng một lần. Hầu hết các trường hợp đã sử dụng đều biểu hiện giảm huyết áp ngay ngày hôm sau và tiếp tục giảm dần sau đó. Có người dùng cách đổ ba chén nước sắc còn một chén, bỏ xác, uống nước sắc; lập lại ba lần trong ba ngày liên tiếp, cũng thấy có kết quả. Liều lớn của tỏi giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng xơ vữa và hạ huyết áp. Đậu trắng giúp tăng cường tác dụng chuyển hoá chất mỡ, điều hoà hấp thu các hoạt chất để giảm bớt tính nóng và một số phản ứng phụ của tỏi khi dùng liều lớn.
Đắp tỏi huyệt dũng tuyền chữa cao huyết áp: dùng từ một đến hai tép tỏi và phần hành lá tương đương. Tỏi lột vỏ, hành lá cắt nhỏ. Giã nát và trộn đều. Trước khi đi ngủ đắp thuốc vào huyệt dũng tuyền ở hai lòng bàn chân. Dùng băng gạc để cố định miếng đắp. Mỗi ngày thay thuốc một lần. Đắp thuốc ban đêm khi ngủ, ngày tháo ra, liên tục từ 3 – 5 lần. Huyệt dũng tuyền ở chỗ lõm giữa lòng bàn chân, tại điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn thẳng từ đầu ngón chân thứ hai đến bờ sau gót chân.
Lương y Võ Hà
(Theo SGTT)