Ngoại tôi khó tính lắm. Nhưng mãi sau này, khi lớn lên, tôi mới hiểu là người già ai cũng vậy. Đơn giản là có lúc mệt mỏi, khó chịu trong người rồi sinh ra bẳn gắt, hay đòi hỏi này nọ. Đôi lúc họ như một đứa trẻ thích làm nũng. Ngoại tôi ngày ấy cũng vậy. Dù có thể cầm chén tự múc ăn được, nhưng ngoại vẫn thích để mẹ tôi đút cơm, cháo cho bà. Dù đã đặt cái bô cạnh giường và bà có thể tự đi một mình, nhưng nhiều khi bà cứ ngồi tại giường mà vãi ra quần khiến mẹ tôi rất vất vả trong việc chăm sóc bà. Thậm chí có người đến chơi, hỏi thăm bà có vui không, có khỏe không, bà lại than thở rằng ở nhà tôi buồn lắm, chán lắm vì không ai thương bà?!
Lúc ấy, một đứa trẻ mới lên năm như tôi chưa thể hiểu hết nên thấy mẹ mình quá vất vả khi phải vừa lo việc nhà cửa, cơm nước lại phải chăm cho bà, mà bà thì chẳng lúc nào vừa ý, nên tôi bực mình lắm. Có lúc tôi còn bảo mẹ sao không bỏ mặc bà đi, để bà tự lo một mình. Tôi còn bảo: “Bà là người lớn chứ đâu phải em bé đâu mà cái gì mẹ cũng làm dùm bà thế?”.
Còn nhớ có lần tôi bị mẹ la khi nói thế, mẹ bảo: “Bà già yếu lắm rồi. Cả đời bà đã lo cho mẹ và các dì, cậu, bây giờ bà đâu còn sức lực để tự lo cho mình nữa, nên mẹ phải lo cho bà thôi.” Tôi phần nào hiểu ra, nhưng vẫn ấm ức và vì vậy, tôi cũng ít khi gần gũi, quấn quít bà.
Ngoại tôi mất đã lâu. Nay mẹ tôi đã già, lại trở thành ngoại của các con tôi. Các cháu rất quý bà. Theo thời gian, tôi nhận ra rằng cùng với những đổi thay về tuổi tác, sức khỏe, tâm lý của mẹ cũng thay đổi nhiều. Bà cũng trở nên khó tính, khó chiều hơn. Nhưng tôi thương mẹ lắm nên dù mẹ có thế nào, chị em tôi vẫn cố gắng chăm sóc mẹ thật chu đáo.
Nhớ lời mẹ nói ngày trước, khi mẹ chăm sóc bà, tôi hiểu mẹ nói đúng: chăm sóc ông bà, cha mẹ ở cái tuổi gần đất xa trời không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách thể hiện tình yêu thương của cháu, con đối với họ. Đó không chỉ là bổn phận hay quy luật tự nhiên mà còn là đạo lý của con người. Hãy chịu khó, kiên nhẫn và thương yêu cha mẹ, ông bà, vì sau cả đời nuôi nấng, chăm lo cho con, cháu, họ chẳng còn được sống bên ta bao lâu nữa. Hơn nữa, một gia đình có đầy đủ ông bà, cha mẹ âu cũng là một hạnh phúc lớn lao mà không chỉ những ai sớm mồ côi hay không được sống gần bên cha mẹ mới cảm nhận được điều đó.
Lê Thị Ngọc Vi
(theo phunuonline)