Nhưng từ tháng 4, Hòa buộc phải chuyển qua tự nấu nướng thay vì ăn quán khi mà số tiền 2,5 triệu đồng bố mẹ gửi hàng tháng không còn trụ nổi với tiền phòng, điện, sinh hoạt cá nhân. Chưa đến một tuần “vào cuộc”, cuộc sống của Hòa đã bị đảo lộn ví chuyện nấu ăn.
Hôm đầu ra chợ, Hòa đã được bữa “bẽ mặt” khi nói mua bầu nhưng tay chọn bí. Thấy vẻ tiểu thư của Hòa, cô bán hàng mắng xơi xơi: “Biết hay giả vờ không biết? Mấy cô bây giờ là kịch lắm”. Mọi người xung quanh nhìn Hòa như “vật thể lạ”.
Theo đó, Hòa trải qua những bữa ăn kinh dị như nấu bí để nguyên vỏ, cá biển… cho vào nước sôi luộc. Hòa đang tính sẽ phải cầu cầu cứu mấy “quân sư” là mấy cô bạn cùng lớp chuyên nấu ăn.
Phương án đầu tiên của hai thành viên trong phòng trọ của Tuấn, ĐH Kinh tế TP.HCM khi giá cả tăng là kéo nhau vào bếp. Trước đây, thấy nhiều chàng trai vào bếp, Tuấn thấy “thương” cho họ bởi cậu quan niệm “Đường đường là nam nhi, ai “sờ” chuyện bếp núc”. ” Nhưng giờ chi tiêu đắt đỏ, cơm bụi tăng giá, mẹ gửi gạo từ nhà lên nên… đành nấu ăn vậy”, Tuấn lý giải.
Hưng, cậu bạn ở nhà, đảm đương việc nấu ăn cũng rối như tơ vò. Cắm cơm hôm đầu thành cháo, hôm sau còn nguyên hạt gạo, đến hôm thứ ba phải xách nồi sang phòng mấy bạn nữ nhờ… đổ nước. “Người ta nói con trai chỉ biết món trứng luộc vậy nhưng luộc trứng cũng không xong. Chờ nước sôi sùng sục, mình vừa bỏ hai quả trứng vào, thế là nổ cì bùm. Thế là mất ăn”, Hưng nói.
Sau một thời gian va chạm, hỏng hàng chục bữa ăn giờ Tuấn và Hưng đã có thể… nuốt nổi thức ăn do mình chế biến. “Cái khó ló cái khôn, giờ mình tự tin khi ra chợ hơn rồi, các cô bán hàng không dễ bắt nạt nữa”, Tuấn nói.
Việc tự nấu ăn giúp Tuấn và Hưng rất phấn chấn vì đã giúp họ phần nào chống chọi với việc giá cả tăng cao. Mỗi bữa ăn ngoài quán 20.000 đồng, giờ nếu khéo mua khéo nấu có thể đủ ăn cho cả ngày. Hơn nữa, họ cũng trở nên “khéo tay” hơn.
Tr, ĐH Tôn Đức Thắng, quê ở Bình Thuận, lên thành phố học còn được bố mẹ thuê người giúp việc theo hầu chuyện tắm giặt, ăn uống. Hàng ngày Tr ăn đủ món thế nhưng chưa bao giờ cô tự tay… gọt một trái dưa leo. Khi gia đình vỡ nợ, cuộc sống của Tr như chuyển sang một thái cực khác. “Cắt” người giúp việc, Tr phải tự tay chăm sóc mình và chuyện bếp núc từng là một cực hình với Tr.
Nếm những món ăn mình nấu mà Tr còn phát khóc. Cá thịt gì nếu đều sống, đều tanh. Nhiều hôm đang nấu phải gọi điện cầu cứu mẹ xem nấu món này thì bỏ gì, nấu thế nào rồi lên mạng… hỏi “ông” Google. Cánh tay Tr đầy vết lâm thâm bởi di tích của dầu ăn bắn tung tóe.
“Có hôm đang chiên cá, loay hoay ngồi máy tính xem bước tiếp làm thế nào thì mấy người bạn nhảy vào chát. Chát chít quên mất mình đang nấu ăn, con cá đã cháy đen”, Tr khổ sở.
Đây cũng là hậu quả của nhiều bạn trẻ ngày nay, trong đó rất nhiều bạn nữ quan niệm thời công nghệ số không cần phải biết chuyện bếp núc. Hơn nữa, nhiều người lại được gia đình bao bọc nên họ càng “ngu ngơ” với “nữ công gia chánh”.
Khi giá cả tăng, đời sống khó khăn thì việc tự nấu ăn trở thành cách thức tiết kiệm hàng đầu của các bạn sinh viên, buộc nhiều người phải tự mày mò với những công việc mà trước giờ họ cho rằng mình không bao giờ mình làm. Vậy xem ra, đúng như suy nghĩ của Tuấn, giá cả tăng biết đâu cũng có mặt tích cực để các bạn trẻ hoàn thiện mình.
Hoài Nam
(theo dantri)