Hoa đầu đinh thuộc họ cỏ dùi trống, người dân ở một số địa phương còn gọi tên cỏ dùi trống, cỏ đuôi công, cốc tinh thảo. Là một cây thảo nhỏ, sống hàng năm, có rễ chùm, thân rất ngắn. Lá mọc tập trung thành cụm dày, hình dải dài, gốc có bẹ mọc ốp vào nhau. Cụm hoa mọc thành đầu trên một cán dài 10 – 20cm, đầu hình cầu hoặc hình trứng, có lông, màu trắng mốc; lá bắc cứng, nhẵn, màu vàng, bao bọc các hoa. Mùa hoa quả: tháng 5 – 7. Bộ phận dùng làm thuốc là nụ hoa hoặc toàn cây. Cây mọc hoang thành đám trên đất bị ngập nước, ruộng thấp, bãi lầy vùng ven biển. Các tỉnh có nhiều hoa đầu đinh là Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên…
Theo y học cổ truyền, là cốc tinh thảo (còn nguyên cuống) hoặc cốc tinh châu (đã ngắt bỏ cuống), có vị cay, ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, khu phong, minh mục (làm sáng mắt) được dùng chuyên trị các bệnh về mắt trong những trường hợp sau:
- Chữa viêm kết mạc: Hoa đầu đinh 20g, phòng phong 20g. Hai vị phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 – 2g, uống liền 5 – 7 ngày.
- Chữa viêm họng: Hoa đầu đinh 10g, bồ công anh 16g, củ giẻ quạt 12g, cam thảo đất 12g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 3 – 5 ngày.
- Chữa giảm thị lực (mắt mờ): Hoa đầu đinh 10g, quyết minh tử (hạt muồng) sao 12g, kỷ tử (quả cây khởi tử) 12g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần uống trong ngày. Mỗi liệu trình 7 – 10 ngày.
Lương y Nguyễn Hữu
(theo suckhoedoisong)