Ý tưởng mới này của Giáo sư Dokuchaev được trình bày trong bài viết cho tạp chí ‘Cosmology and Astroparticle Physics’ đăng trên trang mạng chia sẻ bản thảo arXiv.org.
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn cho rằng hố đen là những giếng trọng lực hút tất cả những gì tiến tới gần chúng.Tuy nhiên, Giáo sư Dokuchaev cho biết những hố đen khổng lồ ở trung tâm các dải ngân hà có thể cho phép các hạt nhỏ, và có lẽ thậm chí cả những hành tinh có sự sống, quay quanh điểm kỳ dị mà không bị hủy diệt.
Điểm kì dị nằm ở trung tâm hố đen và là nơi các định luật vật lý cũng như quy luật về không gian – thời gian bị phá vỡ.
Điểm kì dị được bao quanh bởi chân trời sự kiện, vùng trong đó các vật thể phải chuyển động nhanh hơn vận tốc ánh sáng mới có thể thoát khỏi hố đen. Trên lý thuyết, không có vật thể nào có khả năng chuyển động nhanh hơn vận tốc ánh sáng. Do vậy, chưa vật thể nào thoát hiểm một khi đi qua chân trời sự kiện.
Trong bài báo của mình, Giáo sư Dokuchaev đã phân tích các quỹ đạo giả thuyết trong khu vực giữa chân trời sự kiện và điểm kì dị để hiểu rõ hơn động lực học của hai yếu tố này.
Giáo sư cho biết mặc dù có lẽ không có những quỹ đạo thông thường, ở một số nơi, các hạt và các hành tinh có thể có những quỹ đạo hình xoắn ốc khác thường nhưng ổn định.
Theo tính toán của ông, những hành tinh đó có thể được chiếu sáng bởi điểm kì dị và những quang tử (photon) tích lại trong cùng quỹ đạo.
“Hành tinh này thậm chí có thể chứa những yếu tố hóa học đủ cho sự sống có thể phát triển. Các nền văn minh tiên tiến có thể đã tồn tại trong các hố đen nhưng con người chưa phát hiện ra”, Giáo sư Dokuchaev nhận định.
Giáo sư Dokuchaev thừa nhận rằng một nền văn minh như vậy phải đối mặt với những điều kiện khác thường như lực thủy triều khổng lồ, mật độ năng lượng lớn do các photon tích tụ lại. Ông cũng cho rằng ở đó cũng xảy ra vấn đề trái với quy luật nhân quả bởi các định luật không gian – thời gian không thể ứng dụng ở đây.
Tiến sĩ Thiên văn học David Floyd, hiện công tác tại Đài Thiên văn Úc và Trường Đại học Melbourne, cho rằng dù giả thuyết của Giáo sư Dokuchaev đưa ra là đúng, khoa học vẫn chưa thể xác định được những gì đang diễn ra ở vùng chân trời sự kiện của hố đen.
Tại thời điểm này, và có thể mãi mãi, các nhà khoa học chỉ có thể đưa ra những dự đoán không thể kiểm chứng,” Tiến sĩ Floyd nhận xét. “Theo kiến thức khoa học phổ thông, mọi vật sẽ chuyển sang trạng thái rơi tự do, nghĩa là rơi vào điểm siêu nhỏ ở trung tâm, nơi hình thành nên điểm kỳ dị”.
Theo Tiến sĩ Floyd, một thiếu sót trong bài báo của ông Dokuchaev là không tính đến tác động của phóng xạ đối với những quỹ đạo bên trong hố đen.
“Lượng phóng xạ nhỏ cũng có thể tạo ra lực kéo làm giảm tốc độ quay quanh những quỹ đạo được miêu tả trong nghiên cứu của Giáo sư Dokuchaev, khiến chúng rơi xuống điểm kì dị,” Tiến sĩ Floyd nói.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Floyd thừa nhận rằng ý tưởng của Giáo sư Dokuchaev đã mở ra những câu hỏi mang tính triết học khá thú vị.
“Nếu số lượng hố đen trong vũ trụ rất lớn, người ta có thể rút ra kết luận rằng sự sống tồn tại trong ít nhất một hố đen, nơi có những quỹ đạo ổn định,” Tiến sĩ Floyd nhận định. “Bên trong những hố đen có thể còn có cả những vũ trụ”.
Theo Bayvut.com.au