Ngày chị Lê Thanh Minh (Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội) về ra mắt, bố mẹ chồng đã ưng ngay vì tính cách thật thà, vui vẻ của chị. Miệng nói, tay làm, cả nhà lúc nào cũng ríu rít tiếng cười nói của chị. Sau khi cưới, chị nghĩ gì nói nấy, thẳng băng ruột ngựa. Nhưng bố mẹ chồng lại không ít phen giật mình vì sự hồn nhiên thái quá ấy.
Biết bố chồng thích ăn cánh ngan, tới bữa, chị cố ý sắp sẵn cho bố chồng đĩa cánh ngan để ông nhắm rượu. Bố chồng có vẻ ưng ý ra mặt, nhưng khi ông đang vui vẻ khề khà chén rượu thì chị lại sốt ruột kêu: “Sao bố gặm xương kỹ thế, để phần con Kiki với, nó đang nhìn mồm bố kìa”. Ông bố chồng tức giận bỏ cả đĩa cánh để khỏi mang tiếng “tranh phần chó”.
Mẹ chồng mới mua được cái áo mới, diện thử, xúng xính đi lại. Bỗng nhiên, chị lăn ra cười. Mẹ chồng ngạc nhiên nhìn, còn chị vừa lau nước mắt, vừa giải thích: “Mẹ mặc cái áo này cứ vểnh vểnh đằng sau, nom rõ giống dáng con vịt bầu”. Bà mẹ chồng sững người vì xấu hổ, còn chị vẫn cười.
Anh Tùng – chồng chị cũng nhiều phen “cấm khẩu” vì bị vợ hồn nhiên “bóc mẽ”. Cu Khoai mới 3 tuổi, bụ bẫm nên ai gặp cũng muốn trêu chọc, cấu véo. Có người trêu: “Chim của Khoai cong cong thế này thì đái vào chân mất thôi”, chị Minh chêm luôn: “Giống y như bố cháu!”. Bạn thì cố nín cười, còn mặt anh Tùng sượng trân…
15 năm cưới nhau, chị Kim (Trung Tự, Hà Nội) cũng phiền muộn về thói buông tuồng của chồng. Ở nhà đã đành, sang nhà bố mẹ vợ ăn cơm, anh cũng co hết chân lên ghế, húp canh soàn soạt, rồi ngồi rung đùi tít mù xỉa răng. Bố mẹ chị đều là nhà giáo nên nhìn cảnh con rể vô tư như thế đều “kinh ngạc đến nghẹn lời”.
Vợ chồng cũng cần lịch sự
Có lần hai vợ chồng chị Kim gặp vợ chồng người bạn đóng bộ rất lịch sự, nhã nhặn ở rạp chiếu phim, họ tròn mắt nhìn anh tơi tả trong chiếc quần soóc cháo lòng và áo phông sờn cũ, đi dép tông loẹt quẹt.
(Theo Dân Việt)