Với giá bán ra chỉ còn 14,5 triệu/máy 16GB bản quốc tế, xem ra iPhone 4 đã chạm đáy bởi lẽ giá mua vào tại các thị trường ngoài Việt Nam cũng xấp xỉ mức này. Điều này làm giới dân buôn khá điêu đứng và phải tính cửa nhập hàng để bán có lãi thay vì cầm chừng như hiện nay, từ đó phát sinh ra vô số hình thức “ma mị” người dùng.
Ngay trung tuần tháng 4, thị trường đã ghi nhận sự xuất hiện của những chiếc iPhone 4 phiên bản khóa mạng AT&T nhưng lại được quảng cáo là phiên bản quốc tế và rao bán với mức giá tương đương.
Những chiếc máy này thực chất là iPhone 4 bị khóa mạng khá sâu, không thể unlock bằng các phần mềm mà buộc phải sự dụng SIM Gevey (một loại SIM đánh lừa) để có thể nghe gọi bằng SIM của các nhà mạng trong nước. Tuy nhiên, bằng một số thủ thuật của giới hacker, những chiếc máy này đã được mở mạng và dùng được bằng các SIM thông thường.
Vỏ hộp phải sắc nét, iPhone 4 trắng thì vỏ in màu trắng. Không chấp nhận bị bóc nilon, chữ in đằng sau lưng hộp phải rõ nét, không nhập nhèm. Các phần quan trọng như Serial, IMEI không có dấu hiệu tẩy xóa.
Phần mã code sau thân máy phải là MC604B/A nếu là phiên bản Quốc tế màu trắng và MC603B/A nếu là phiên bản đen. Thông tin Serial máy rất quan trọng, lô hàng iPhone 4 trắng chỉ bắt đầu ra thị trường vào tháng 4, do đó ngày xuất xưởng chỉ khoảng tháng 2 năm 2011.
Lô máy iPhone 4 trắng đợt đầu tiên sẽ PHẢI có serial tương tự như sau: 881191X0DZZ. Bạn bỏ qua con số 88, và chỉ quan tâm từ con số 11 phía sau, tức là năm sản xuất 2011 và số 9 tức là tuần thứ 9 của năm. Nghĩa là lô hàng iPhone 4 trắng đều chỉ xuất xưởng sớm nhất vào khoảng tháng 3 năm nay. Nếu serial hiển thị trước đó ví dụ như 880381X0DZZ, khoảng tuần 38 năm 2010, chắc chắn đây là hàng màu đen thay vỏ.
Ngay khi vừa mua máy phải bắt nhân viên cắm vào máy tính để kết nối qua iTunes, giao diện sau khi kích hoạt của iTunes phải nhận diện đây là iPhone 4 đúng màu trắng cũng như các thông số IMEI, serial trùng khớp với vỏ hộp hay trên máy (kiểm tra IMEI bằng cách quay số *#06#).
(theo afamily)