Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ cho biết, ba chương trình vũ trụ trọng điểm sẽ được đưa ra lựa chọn bao gồm: Trạm quan trắc địa vật lý (The Geophysical Monitoring Station, viết tắt là GEMS), chương trình này sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu về kết cấu bên trong của sao Hỏa.
Mô hình trạm quan trắc địa vật lý trên sao Hỏa. Ảnh: NASA.
Chương trình thứ hai có tên gọi là “Bọ chét sao chổi” (Comet Hopper). Giống như tên gọi của nó, dự án này sẽ giúp NASA có thể dễ dàng tiến hành tiếp cận với các sao chổi đồng thời quan sát sự thay đổi của sao chổi dưới tác động qua lại với Mặt trời.
Chương trình thứ ba có tên gọi “Thiết bị thám hiểm đại dương của mặt trăng Titan” (The Titan Mare Explorer, viết tắt là TiME). Thiết bị này sẽ nổi trên bề mặt “đại dương” của Mặt trăng Titan, mặt trăng lớn của sao Thổ. Nếu như chương trình này thành công nó sẽ giúp cho các nhà khoa học trả lời một câu hỏi lớn rằng bên trong mặt trăng này có nước hay không.
NASA cũng cho hay, các chương trình vũ trụ mới của họ đều có giá thấp song giá trị mà nó mang lại là cực kỳ to lớn.
Cùng với chương trình thám hiểm vũ trụ mới nói trên, NASA cũng sẽ đưa ra và lựa chọn 3 chương trình phát triển kỹ thuật vũ trụ. Ba chương trình này bao gồm: Kính thiên văn NEOCam, có nhiệm vụ tìm kiếm những tiểu hành tinh bay gần quỹ đạo của Trái đất; Thiết bị tìm kiếm vật chất nguyên thủy PriME, có nhiệm vụ nghiên cứu thành phần sao chổi và tác dụng của chúng trong việc mang nước và các thành phần khác tới cho Trái đất; Hệ thống Whipple, nhằm thử nghiệm phương pháp mới để tìm kiếm các hành tinh bên ngoài Hệ Mặt trời.
NASA cho hay, mặc dù những các chương trình phát triển kỹ thuật này đều chỉ là những nhiệm vụ nhỏ trong kế hoạch chung, song những kỹ thuật được phát triển là cực kỳ tiên tiến.
Ba chương trình phát triển kỹ thuật này sẽ được hỗ trợ 3 triệu USD nhằm tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm bước đầu. Vào năm sau, năm 2012, NASA sẽ tiến hành xem xét và đưa ra lựa chọn cuối cùng.
Theo Vietnamnet