Sơn kê là tên dược liệu của thịt và chân gà rừng thuộc họ trĩ (Phasianidae) có thân thon nhỏ. Người ta đã phân tích thành phần dinh dưỡng trong thịt gà rừng thấy có chứa 24,4% protid, 4,8% lipid, 14mg% Ca, 263mg% P, 0,4mg% Fe và một số vitamin. Thịt có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ gan thận, tăng cường gân cốt. Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) đã dùng thịt gà rừng nấu chín với hành và muối rồi ăn cái, uống nước chữa đơn độc, trong ruột cồn cào, nóng như lửa đốt.
Theo kinh nghiệm dân gian, thịt gà rừng được dùng chữa chứng xích bạch đới, tả lỵ lâu ngày, suy yếu sinhlý dưới dạng nấu ăn, có thể thêm ít rượu. Để tham khảo và ứng dụng, dưới đây xin giới thiệu một số cách trị liệu bệnh từ gà rừng.
Gà rừng
|
Chữa ngộ độc nhãn rừng
(theo kinh nghiệm gia truyền của bà con người Mường ở miền núi tỉnh Hòa Bình trị ngộ độc và nhất là ngộ độc quả nhãn rừng): Dùng chân gà rừng 1 cái, phết kín bằng một lớp mẻ rồi đốt thành than, tán bột. Đồng thời, lấy rễ cây phèn đen 20g và rễ mía đỏ 20g, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml. Sau đó uống bột chân gà với nước sắc dược liệu hai lần trong ngày.
Chữa gân xương đau mỏi, chân tay run rẩy: Chân gà (hay nhất là chân gà trống) 1kg để nguyên cả lớp da vảy bên ngoài và móng, chặt nhỏ, nấu với nước ngập chừng 10cm sôi liên tục trong 12 giờ. Cạn nước thì thêm nước sôi vào, luôn giữ cho nước ngập xương. Rút nước chiết lần thứ nhất. Tiếp tục thêm nước sôi và đun mỗi lần 4 – 6 giờ để được nước chiết thứ hai và thứ ba. Hợp các nước chiết lại rồi cô thành cao mềm. Ngày uống hai lần, mỗi lần 8g với nước ấm.
Chữa vết thương chảy máu: Chân gà đốt thành than, tán bột mịn, rắc vào sẽ cầm ngay.
BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI
(Theo SK&ĐS)