Vui buồn chuyện tìm phòng trọ của tân sinh viên
Monday, June 27, 2011 8:03
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Bước vào cuộc sống sinh viên là các bạn sẽ phải đối diện với đầy những khó khăn.
Không phải ai cũng có anh chị, người thân sẵn ở thành phố để được ở cùng hay trường đại học có kí túc xá mà không phải “lăn tăn” về giá cả. Thực tế nhiều bạn tân sinh viên từ tỉnh lên sẽ có cực nhiều những vấn đề… “dở khóc dở cười.”
Ngỡ ngàng trước cuộc sống mới
Đối với tân sinh viên, bỡ ngỡ khi xa gia đình, tự thân vận động trước hàng trăm công việc, hầu hết các bạn sẽ bị “khớp”. Điển hình như Nam Oanh (SV năm 1 ĐH Hồng Bàng) nhớ lại kỉ niệm đáng sợ của mình: “Lúc mới vào mình rất ngỡ ngàng, thấy xe chạy ngoài đường quá nhiều mà nhanh, người thì ai cũng bận rộn, còn giá cả thì đắt đỏ. Lúc đó thấy mình như rơi xuống vùng đất khác”. Và một điều mà hầu như các bạn ai cũng phải trải qua đó là đi kiếm phòng trọ.
Giá phòng trọ ở thành phố đúng câu “tiền nào của nấy”. Với những phòng có lối đi riêng, không chung chủ cũng như tương đối rộng và điều kiện an ninh tốt thì hạn chế người ở và giá dao động từ 750K – 1,5 triệu/ người. Với những phòng trọ nhỏ hơn, phải ở chung với chủ, hoặc ở nơi điều kiện an ninh không tốt thì giá từ 400 – 500K. Với những bạn muốn ở tự do và có không gian thì thường thuê nhà nguyên căn để ở nhưng thường thì giá nhà nguyên căn nằm ở mức 3 triệu – 4,5 triệu. Với mức giá đó các bạn thường phải ở nhiều người, dĩ nhiên sẽ dẫn đến rất nhiều những phiền toái và mâu thuẫn nảy sinh. Khánh (Sinh viên năm 3 ĐH Tài chính marketing) than thở: “Tiền phòng một chỗ thoải mái như ở nhà quá cao, tớ đang ở tiền phòng 850K/tháng, tiền ba mẹ gửi vô không đủ tiêu xài, phải đi làm thêm kiếm tiền mới gọi là tạm đủ”.
Khi đã tìm được một phòng trọ có-vẻ-ở-được, những người bạn cùng phòng và địa điểm gần trường học, bạn sẽ phải đối mặt với một thực tế là bất cứ lúc nào, bạn cũng có thể phải chuyển phòng trọ. Hoặc do ý kiến của chủ nhà, hoặc do những nguyên nhân khách quan khác. Vì vậy, điều đầu tiên khuyên bạn đó là “Không nên quá quan trọng việc chuyển phòng ở, hãy xác định tư tưởng là mình sẽ có thể phải chuyển phòng nhiều lần trước khi tìm được nơi ưng ý”.
Muôn vàn trắc trở
Cuộc sống sinh viên sẽ có vô vàn những khó khăn trắc trở, đặc biệt là với các bạn teen sắp bước vào cánh cửa Đại học. Và sau đây là những lời tâm sự bộc bạch của các anh chị đi trước…
Ngọc Anh (sinh viên năm 3 ĐH Ngoại thương) tâm sự: “Ngày trước tớ vừa với vào Sài Gòn, mình ở chung với 4 bạn nữa ở gần trường. Mọi việc rất tốt, mọi người rất vui vẻ với nhau, cho tới một ngày… tớ bị mất cái laptop ở ngay trong phòng. Khi tớ đi học, trong phòng có 3 người, lúc phát hiện mất mọi người đều bảo do ngủ nên không nhìn thấy. Tớ biết là không nên nghi ngờ bạn cùng phòng, nhưng sau chuyện ấy tớ không dám tin ai nữa, đành chuyển phòng luôn”.
Ngoài vấn đề an ninh lúc nào cũng là điều được quan tâm hàng đầu, đôi khi những xích mích giữa những những người bạn cùng phòng cũng khiến cho các bạn phải suy nghĩ. Rất nhiều những vấn đề nhỏ nhặt phát sinh trong quá trình sinh hoạt cùng nhau giữa những người bạn, nhất là những bạn nữ với nhau. Có những người bạn “chỉ chơi được, không ở được” và những xích mích đó làm mất tình bạn, đôi khi về nhà chẳng còn muốn nhìn thấy mặt nhau, lên trường cũng không muốn nói chuyện nữa.
Nhiều bạn lựa chọn giải pháp là nhờ tới “cò nhà đất”, đây là một giải pháp khá “phiêu”. May mắn thì bạn mất ít tiền và có một chỗ ở tạm được. Còn nhiều khi bạn tới nơi, không hài lòng với nơi ở thì bạn cũng mất một ít tiền gọi là “môi giới phí”.
Và đó là còn chưa nói đến những trường hợp chủ nhà bỗng “lật lọng”, đòi lại phòng trọ để tu sửa (mà thật ra là cho người khác thuê với giá cao hơn) và bạn phải ngay lập tức kiếm chỗ ở khác, nghĩa là bạn sẽ phải quay lại cái vòng đối mặt với hàng trăm thứ khốn khổ mà mình đã tưởng vượt qua.
Nhưng không gì là không thể
Thực tế trên có làm cho các bạn sợ hãi, hoảng hốt hay suy nghĩ quá nhiều về việc kiếm phòng trọ không? Thực ra vấn đề này hầu như chỉ gây khó khăn với sinh viên năm nhất và năm 2 thôi, còn khi trưởng thành hơn, có kinh nghiệm hơn một chút rồi, thì việc kiếm một nơi ở phù hợp cho học tập và công việc không còn khó khăn nữa đâu. Một số giải pháp và gợi ý để có thể áp dụng khi muốn tìm một nơi ở phù hợp nhé:
- Từ khi nhận giấy báo nhập học đến trước ngày vào học khoảng 2 tuần, bạn phải nhanh chóng lên mạng, tìm hiểu thông tin và bằng mối quan hệ của mình nghiên cứu xem có bạn nào quen biết, thân thiết cũng học cùng trường với mình hoặc những trường ở gần khu đại học của bạn và liên lạc với họ để ở chung. Tìm bạn cùng phòng là một trong những yếu tố quan trọng nhất đấy bạn ạ, vì họ sẽ là người ở chung, và cùng chia tiền phòng với mình mà. Hãy chú ý đến tính tình và nếp sinh hoạt của bạn ấy nữa nhé.
- Bạn hãy cùng phụ huynh vào thành phố, đi tham khảo một số nhà trọ chứ đừng nhờ vả bạn bè nhé. Chỉ có mình mới quyết định được nơi ở nào là thích hợp với mình. Tránh tình trạng vì cả nể mà phải ở nơi không thích. Bên cạnh đó đi cùng phụ huynh để bố mẹ thực tế quan sát tình hình nhà cửa sẽ yên tâm hơn đấy.
- Nếu bạn thực sự không thể tìm thấy một phòng trọ hợp lý, hãy cùng phụ huynh tới văn phòng môi giới nhà đất, và chịu mất một khoảng phí môi giới để có nhà ở trước mắt đã.
- Đừng bao giờ quên rằng bên cạnh bạn có rất nhiều anh chị sinh viên đi trước sẵn sàng giúp đỡ bạn. Hãy tham khảo ở Hội sinh viên trường bạn, có rất nhiều những mẫu tin được in sẵn để giúp bạn kiếm phòng trọ hoặc ở ghép với những anh chị sinh viên khác có nhu cầu. Hoặc nếu bạn còn quá bỡ ngỡ thì hãy đến với SAC (Student Assistance Club) – Trung tâm hỗ trợ sinh viên ở 33 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 để được các bạn sinh viên hỗ trợ nhé. Đây là những nguồn tin rất hữu ích và thiết thực đấy.
- Hãy suy nghĩ đến việc ở chung với những anh chị đi trước, một phần vì họ đã có những kinh nghiệm có thể truyền đạt cho bạn, phần khác bạn sẽ tránh được ít nhiều cảnh cự cãi, xét nét không đáng có với bạn cùng tuổi. Đừng sợ là bạn sẽ bị “bắt nạt”, không ai làm thế đâu nếu bạn sống tôn trọng và biết điều.
- Cuối cùng, thì bạn hãy nhớ rằng bạn đang và sẽ sống trong môi trường tập thể chứ không còn ở trong nhà bạn nữa. Hãy tập một thói quen sống ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ và siêng năng hơn. Ngoài ra thì hãy biết cách nhường nhịn và lắng nghe nữa bạn nhé. Chính môi trường sinh hoạt chung này sẽ tạo cho bạn những kĩ năng cần thiết khi bước vào đời đấy.
Bạn thân mến, tân sinh viên với vấn đề nhà trọ luôn luôn gặp nhiều những khó khăn vướng mắc, nhưng hãy luôn tâm niệm rằng mọi việc đều sẽ ổn, vì bạn thấy đâu có sinh viên nào phải đi lang thang vì không có nhà đâu nào!? Hãy học những kĩ năng sống để có thể tìm được một nơi ở phù hợp cũng như thích nghi với cuộc sống ở thành phố mới nhé.
Hồng Hạnh
(Theo PLXH)