Đến thành phố Kon Tum, từ xa, du khách đã nhìn thấy tháp chuông nhà thờ gỗ với màu nâu ấm áp, nổi bật trên nền trời xanh trong của vùng cao nguyên. Qua những con đường nhỏ giữa lòng thành phố, khách du lịch tản bộ trên đường Nguyễn Huệ sẽ đến nhà thờ gỗ nổi tiếng. Bước vào trong giáo đường, không gian rộng thênh thang, hàng cột gỗ đen bóng, khiến bạn sẽ có cảm giác mình thật nhỏ bé.
Nhà thờ gỗ Kon Tum do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng năm 1913, hoàn thành năm 1918, tọa lạc giữa trung tâm thành phố. Công trình được những bàn tay tài hoa của nghệ nhân Bình Định, Quảng Nam xây theo phương pháp thủ công, kết hợp giữa phong cách Roman và kiểu nhà sàn của người Bana. Kiểu kiến trúc này thể hiện sự giao thoa giữa văn hóa Tây Nguyên và văn hóa châu Âu. Gần một thế kỷ qua, thánh đường vẫn chưa có dấu hiệu của sự xuống cấp và đang trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Việt Nam.
Giáo đường rộng thênh thang khiến bạn cảm giác nhỏ bé. |
Khu hoa viên của nhà thờ có nhà rông mái cao, các bức tượng tạc từ rễ cây làm không gian mang đậm màu sắc đại ngàn, đặc biệt, luôn mở rộng cửa cho khách tham quan. Ngoài thánh đường chính, nhiều công trình khác cũng được xây dựng rất tinh tế và mỹ thuật như nhà thờ, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo.
Bên trong nhà thờ, hệ thống cột gỗ, rui mè tuy không chạm khắc tỉ mỉ nhưng nét hoa văn đã thể hiện được chất đôn hậu, khoẻ mạnh của người Tây Nguyên. Ngoài ra, nhà thờ còn có cô nhi viện, cơ sở thủ công mỹ nghệ như dệt thổ cẩm, may thêu… đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều em nhỏ trưởng thành.
Cung thánh được trang trí theo hoa văn của các dân tộc ở Tây Nguyên, gần gũi với đời sống hàng ngày, vẫn gợi cảm giác thiêng liêng, trang trọng.
Tỉnh Kon Tum sở hữu khí hậu đặc trưng của vùng cao, gồm 2 mùa là mưa và khô. Vì vậy, du khách có ý định du lịch, tham quan nhà thờ gỗ hãy bắt đầu hành trình từ tháng 9 trở đi. Đây là thời gian vừa dứt mùa mưa vào mùa khô, tiết trời trong xanh, dễ chịu.
NHẬT MY
Theo Bưu Điện Việt Nam