Thành nhà Hồ-tân di sản bằng đá
Từ Quốc lộ 1A (phía từ Hà Nội vào), rẽ phải vào đường 217, đi chừng 30km sẽ thấy cổng nam ngôi thành đá sừng sững. Nếu đi tiếp trên đường 217, sẽ đi xuyên qua hoàng thành.
Hoàng thành được xây dựng trên bình đồ gần vuông. Mỗi cửa đều được mở ở chính giữa. Các cổng thành được tạo tác theo kiến trúc hình mái vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít lên nhau.
Được xây dựng bằng những phiến đá dài hàng mét, có tấm tới 6 m, xếp chồng lên nhau mà không cần chất kết dính, hệ thống tường bao quanh thành nhà Hồ vẫn còn khá nguyên vẹn suốt hơn 600 năm qua.
Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới.
Phong Nha, Kẻ Bàng-kiệt tác của thiên nhiên
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cách Hà Nội khoảng 500 km về phía nam. Từ thành nhà Hồ, bạn có thể chạy tiếp đường 217 lên phía Tây gặp đường Hồ Chí Minh hoặc theo đường 45 về thành phố Thanh Hóa rồi theo quốc lộ 1A để vào Quảng Bình.
Phong Nha-Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 200.000 ha và là một trong hai vùng carxtơ lớn nhất thế giới với khoảng 300 hang động với chức năng bảo tồn hệ sinh thái bắc Trường Sơn.
Động Phong Nha là động giữ nhiều kỷ lục: Hang nước dài nhất; cửa hang cao và rộng nhất; bãi cát, đá rộng và đẹp nhất; hồ ngầm đẹp nhất. Tháng 4 năm 2009, một đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã phát hiện và công bố hang Sơn Đoòng là hang động có kích thước lớn nhất thế giới.
Thâm nghiêm quần thể di tích Cố đô Huế
Đây là một tập hợp những di tích lịch sử – văn hoá do triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam chủ trương xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20.
UNESSCO xem đây là “một thí dụ điển hình về đô thị hóa và kiến trúc của một kinh đô phòng thủ, thể hiện quyền lực của vương quốc phong kiến cổ của Việt Nam ở thời kỳ huy hoàng vào thế kỷ XIX”
Đến Huế, trước tiên bạn nên thăm quan Hoàng Thành nằm bên trong Kinh Thành, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn, đặc biệt Tử Cấm Thành vốn là nơi chỉ dành riêng cho vua và hoàng gia.
Ngoài hệ thống các cung điện còn có những công trình kiến trúc phục vụ cho các nhu cầu làm việc, ăn ở, tín ngưỡng, giải trí như: đàn Nam Giao, những nơi giải trí như Hổ Quyền hay các công trình văn hoá giáo như Văn Miếu, Võ Miếu, Quốc Tử Giám, Trường Thi…
Hệ thống các phủ đệ đã biến Huế thành một thành phố nhà vườn mà những giá trị nhân văn và sinh thái của dạng kiến trúc độc đáo ấy vẫn còn lan toả cho tới hôm nay. Tất cả đã tạo nên diện mạo một đô thị- kinh đô hoàn chỉnh, được quy hoạch, sắp xếp rất chặt chẽ, hài hoà.
Rêu phong phố cổ Hội An
Phố cổ Hội An cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam, cách Huế khoảng 140km. Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt những thế kỷ trước.
Hội An may mắn không bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh, lại tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20 với những giá trị kiến trúc và văn hóa còn tồn tại khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.
Phần lớn những ngôi nhà ở đây phần bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà là những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển, sự pha trộn, giao thoa văn hóa của đô thị Hội An.
Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị, là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế, là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.
Mỹ Sơn-Angkor của Việt Nam
Thánh địa Mỹ Sơn cách Đà Nẵng khoảng 69 km và cách phố cổ Hội An khoảng 45 km, là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chămpa, trong một thung lũng được bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế cũng như là lăng mộ của các vị vua Chămpa.
Đây là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hoá như là bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất. Trong nhiều thế kỷ, thánh địa này được bổ sung thêm các ngọn tháp lớn nhỏ và đã trở thành khu di tích chính của văn hóa Chămpa. Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng rất lớn của Ấn Độ với các đền tháp như đang chìm đắm trong huy hoàng quá khứ.
Gạch là vật liệu tốt để lưu giữ ký ức của một dân tộc kỳ bí và kỹ thuật xây dựng tháp của người Chàm cho tới nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Người ta vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thích hợp về chất liệu gắn kết, phương thức nung gạch và xây dựng.
Nhiều tháp có kiến trúc rất đẹp với hình những vị thần được trang trí với nhiều loại hoa văn. Phần lớn những kiến trúc này hiện nay đã bị suy tàn, nhưng đây đó vẫn còn sót lại những mảng điêu khắc mang dấu ấn hoàng kim của các triều đại Chămpa huyền thoại.
(theo afamily)